Làm giả giấy xét nghiệm COVID-19: Phải xử lý nghiêm!

Ngày 1/7, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin về việc Cơ quan CSĐT Công an thị xã Quảng Yên vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm (33 tuổi, trú tại số 29/44 Quang Trung, phường Quang Trung, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là cán bộ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Hải Dương, để điều tra về hành vi “làm giả giấy tờ cơ quan tổ chức”.

Trước đó, khoảng 21h30 ngày 26-6, Công an thị xã Quảng Yên nhận được thông báo của chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại khu vực gần cầu Bạch Đằng, phát hiện xe ôtô cứu thương chở 5 người đi qua chốt nhưng không khai báo y tế theo quy định.

Sau đó, Công an thị xã Quảng Yên đã mời số người trên về trụ sở để làm việc. Qua điều tra ban đầu, số người trên khai nhận đã được Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ CDC Hải Dương, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cấp giấy kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch.

Cơ quan công an đã triệu tập Nguyễn Tùng Lâm để xác minh. Lâm khai nhận từ cuối tháng 5-2021 đã đến nhà hoặc ở một địa điểm hẹn trước để lấy mẫu xét nghiệm cho những ai có nhu cầu. Sau đó Lâm tự làm giả chữ ký của lãnh đạo (bắn chữ ký), đóng dấu cấp giấy xét nghiệm nhằm mục đích thu lời bất chính.

Trung bình mỗi trường hợp, Lâm thu từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/người. Bước đầu, Nguyễn Tùng Lâm khai nhận đã thực hiện lấy mẫu và cấp giấy cho gần 40 trường hợp, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.

——–

Ngày 10/8, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết Phòng Cảnh sát hình sự đã triệt phá đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, đang đấu tranh đối với 9 người để làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Nghi phạm cầm đầu đường dây là Phan Đình Hải (25 tuổi, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Theo cơ quan công an, Hải là lái xe tải chở hàng đi các tỉnh và cần có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 để đi qua các chốt kiểm dịch.

Hải nghĩ cách làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Với thủ đoạn này, Hải đã sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả để qua các chốt kiểm soát dịch bệnh và bán cho nhiều người.

Trong số người mua có Nguyễn Bá Tú (34 tuổi, ở xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) với giá 180.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh, và 500.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR, thu lời bất chính khoảng 20 triệu đồng.

Sau đó, Tú tiếp tục bán lại cho các tài xế ôtô với giá 200.000 đồng một phiếu xét nghiệm nhanh và từ 600.000 – 650.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.

Các tài xế ôtô đã sử dụng phiếu xét nghiệm giả mua của Hải và Tú để đi qua các chốt kiểm dịch. Khi phiếu hết hạn sử dụng, họ nộp cho công ty để được hoàn lại tiền xét nghiệm.

Hiện Phòng Cảnh sát hình sự đã thu hồi tang vật vụ án gồm 1 bộ máy vi tính, 1 dấu tròn của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, 1 dấu thu tiền cùng nhiều tang vật liên quan.

—————–

Tiếp đó, ngày 12/8, Công an TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết đang tạm giữ khẩn cấp đối với Trần Tấn Dương (34 tuổi, quê ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp; giám đốc văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân, ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, khoảng 12h ngày 11/8, Công an TP Bắc Ninh tiến hành kiểm tra tại văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân và phát hiện Dương đang có hành vi bán cho Vũ Văn Chiến (32 tuổi, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) 6 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19, trong đó 5 phiếu test nhanh, 1 phiếu xét nghiệm PCR của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với số tiền 1 triệu đồng.

Tiến hành khám xét, Công an TP Bắc Ninh thu giữ 7 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, một số văn bằng xác nhận chứng thực giả và nhiều tang vật liên quan.

Tại cơ quan điều tra, Dương khai nhận do nắm bắt nhu cầu của công nhân, lái xe cho các công ty trong khu công nghiệp, lái xe đường dài cần có phiếu xét nghiệm COVID-19 để đi làm và ra vào các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh, nên đã nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ để bán kiếm lời.

Dương sưu tầm phiếu xét nghiệm thật có dấu đỏ của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, scan và lưu lại trên máy tính, chỉnh sửa thông tin cá nhân theo yêu cầu mà khách đã chuyển qua Zalo, scan dấu đỏ trên phiếu xét nghiệm thật, in màu và tự ký giả vào mục kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện.

Với thủ đoạn này, Dương đã làm và bán khoảng 150 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19 với giá 150.000 đồng đối với phiếu test nhanh và 250.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.

Trước hết, xin Luật sư cho biết, theo quy định, việc các cá nhân, tổ chức giả mạo chữ ký, con dấu để làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 có thể đối diện với hình thức xử lý như thế nào?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Với trường hợp thứ nhất, đối tượng Nguyễn Tùng Lâm – là cán bộ của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hải Dương là người có chức vụ, quyền hạn trong việc xét nghiệm virus Covid-19, tuy nhiên người này không có thẩm quyền để ký, đóng dấu lên các Giấy tờ xét nghiệm, đây là hành vi giả mạo, trái pháp luật.

Theo quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 về “Tội giả mạo trong công tác”: người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi như: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữa ký của người có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tuỳ theo tính, chất mức độ của hành vi phạm tội. Với số lượng giấy tờ bị làm giả lên đến 40 chiếc rất có khả năng đối tượng này phải đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù giam, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc này từ 01 đến 05 năm.

Đối với cá nhân, tổ chức khác không phải là đơn vị có nhiệm vụ, chức năng xét nghiệm cung cấp Giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà làm các giấy xét nghiệm giả thì cá nhân, người của tổ chức này sẽ bị xử lý về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Nếu số lượng giấy tờ bị làm giả và thu lợi bất chính nhiều, tuỳ thuộc mức độ sẽ có thể bị xử phạt tối đa đến 07 năm tù giam và phạt tiền đến 50.000.000 đồng.

Trường hợp việc làm giả giấy xét nghiệm dẫn đến làm lây lan dịch bệnh thì các đối tượng này bị xử lý như thế nào?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Các trường hợp nêu trên, các giấy tờ giả mạo bị làm giả đều là Giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, như chúng ta đã biết, đây là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm với mức độ lây lan nhanh chóng, gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, tính mạng của con người và sự phát triển của nền kinh tế.

Khi những người đã nhiễm bệnh mà sử dụng Giấy xét nghiệm giả và di chuyển trong cộng đồng sẽ đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó Bộ luật hình sự cũng đã quy định về tội danh này, cụ thể nếu việc sử dụng các giấy tờ xét nghiệm giả rồi làm lây lan dịch bệnh thì Người làm giả giấy tờ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 12 năm tù giam.

Luật sư có cảnh báo gì về việc làm giả giấy xét nghiệm covid-19 này? Theo Luật sư, các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để xử lý dứt điểm sự việc này?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn xã hội đang gồng mình lên để phòng chống dịch bệnh mà vẫn có các đối tượng làm giả các Giấy tờ xét nghiệm âm tính là điều không thể chấp nhận được. Các đối tượng này mặc dù lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra những vẫn cố tình thực hiện để chuộc lợi, đây là lợi dụng dịch bệnh, bất chấp sức khoẻ tính mạng của người khác. Các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý thật nghiêm khắc, đúng người đúng tội và thích đáng so với tính nghiêm trọng của hành vi. Không chỉ với mục đích trừng phạt mà đề cao hơn tính răn đe, giáo dục, ngăn ngừa các hành vi tương tự có thể xẩy ra trong tương lai.

Ý kiến của Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng trên báo Pháp Luật Việt Nam số 229 ngày 17/8/2021

Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, các cơ quan chức năng trước hết cần tập trung đẩy mạnh, tăng tốc độ, tăng hiệu quả, hiệu suất xét nghiệm dịch bệnh cho người dân, đồng thời áp dụng sự phát triển của công nghệ thông tin vào việc chứng thực, kiểm soát dịch bệnh, cũng như kiểm soát lịch sử tiêm chủng, di chuyển của người dân, chúng ta cũng có thể thực hiện cấp phép di chuyển, “Giấy thông hành” số hoá để kiểm soát nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. Đây là một giải pháp đem lại hiệu quả rất cao và khả thi để triển khai trên thực tế khi mà chúng ta đã có nền tảng phần mềm khai báo y tế trực tuyến như hiện nay (Phần mềm Bluezone, Website khai báo y tế).

Trong trường hợp này, người dân cố ý mua phiếu xét nghiệm giả nhằm qua mặt các cơ quan chức năng thì có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Thông thường, chính vì có những người có nhu cầu mua và sử dụng Giấy xét nghiệm Covid-19 giả mới là nguyên nhân có người làm giả, do đó không thể không nhắc đến trách nhiệm của những người đã mua và sử dụng Giấy xét nghiệm giả để di chuyển qua các chốt kiểm dịch.

Hành vi sử dụng giấy tờ giả này đã cấu thành vào “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015. Với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tuỳ tính chất mức độ và vì sức khoẻ tính mạng của chính bản thân và gia đình mà mỗi người chúng ta cần cân nhắc xem có nên thực hiện hành vi phạm tội này hay không?

Ngoài ra, nếu sử dụng Giấy xét nghiệm giả rồi làm lây lan dịch bệnh thì những người này cũng sẽ bị xử lý về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tương tự như trường hợp nêu ở câu hỏi trên.

Theo Luật sư, có cần tăng chế tài xử phạt để xử lý dứt điểm các vi phạm này hay không ?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Theo tôi, các quy định pháp luật liên quan đến các hành vi Làm giả hay sử dụng Giấy xét nghiệm giả như ở trên đã khá nghiêm khắc và phù hợp với tính chất mức độ của hành vi phạm tội. Ngược lại với “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” thì mức án cao nhất chỉ là 12 năm tù giam là còn chưa đủ tính răn đe cần thiết, đặc biệt là với các dịch bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm như Covid-19.

Bệnh này thậm chí gây tử vong nhiều người, số người đã mắc phải cũng để lại di chứng, hậu quả về sau không thể khắc phục được, nền kinh tế bị trì trệ, tiêu hao, tổn thất quá nhiều ngân sách nhà nước. Do đó các cơ quan chức năng, các nhà lập pháp nên xem xét sửa đổi theo hướng tăng nặng mức hình phạt của tội danh này, bổ sung thêm các tình tiết định khung và thêm 1 khung hình phạt mới với mức án tối đa đến 20 năm tù giam.

Việc tăng nặng chế tài đối với tội danh này là cần thiết và cùng với các biện pháp khác đã được triển khai thực hiện rất tốt như tuyên truyền, giáo dục, áp dụng công nghệ thông tin, phát triển y tế,… sẽ góp phần giúp chúng ta chiến thắng được dịch bệnh nguy hiểm này.

Ý kiến của Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS đã được đăng tải trên báo Pháp Luật Việt Nam:

https://m.baophapluat.vn/can-nghiem-tri-hanh-vi-lam-gia-giay-xet-nghiem-covid-19-post408034.amp

call-to-like

Đội ngũ luật sư bào chữa – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: info.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!

/* vchat */