Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?
Mời quý vị nghe tư vấn của Thạc sỹ – luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Công Luật TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) trên Kênh VOV2 – Đài Tiếng nói Việt Nam, về trường hợp thừa kế tài sản của anh trai ruột tại đây:
Thưa luật sư, theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì khi người để lại di sản chết, di sản sẽ được phân chia theo di chúc nếu di chúc đó là hợp pháp. Nếu di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Vậy còn những trường hợp nào chúng ta cũng phải chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật và khi chia như vậy sẽ phải tuân theo những quy định như thế nào?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời:
Theo quy đinh tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, ngoài trường hợp di chúc không hợp pháp thì còn nhiều trường hợp di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, bao gồm:
- Không có di chúc;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, đối với di sản thừa kế được chia theo pháp luật sẽ được chia cho nghững người thừa kế theo pháp luật của người chết (để lại di sản), đó là những người có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ về hôn nhân, gia đình đối với người chết (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết.v.v..). Những người này được chia thành 03 hàng thừa kế (theo thứ tự là hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba). Việc phân chia di sản thừa kế sẽ theo quy định là: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy theo quy định của điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thừa kế theo pháp luật chia làm ba hàng thừa kế. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Vậy như trong tình huống mà chúng ta vừa nghe ở đầu chương trình, người cha và người con mất cùng thời điểm, người cha chỉ có một người con, tức là hàng thừa kế thứ nhất không còn. Vậy di sản thừa kế người cha để lại sẽ chia như thế nào? Liệu người em của người cha có được hưởng di sản thừa kế của anh trai mình không?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS –Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời:
Nếu người con và người cha chết cùng thời điểm thì theo quy định tại Điều 619 Bộ luật dân sự năm 2015, họ sẽ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người sẽ do những người thừa kế của người đó được hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Do đó, trừ trường hợp thừa kế thế vị, thì nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người cha (bao gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người cha) không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì quyền hưởng di sản thừa kế của người cha sẽ thuộc về những người thuộc hàng thừa kế thứ hai, bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người cha; cũng như cháu ruột của người cha mà cha là ông nội hoặc ông ngoại. Và trong trường hợp này, người em ruột của người cha (là người thuộc hàng thừa kế thứ hai) sẽ có quyền được hưởng di sản thừa kế do người cha để lại.
Theo quy định của pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Vậy trong trường hợp này, người con dâu có được hưởng di sản thừa kế do cha chồng để lại hay không, thưa luật sư?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS –Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả:
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì con dâu không thuộc những người thừa kế theo pháp luật của cha chồng hoặc mẹ chồng. Do đó, người con dâu không được hưởng di sản thừa kế của cha chồng mà chỉ được hưởng di sản thừa kế từ người chồng của mình.
Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị có quy định như thế này: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Vậy xin hỏi luật sư, người cha và con mất cùng thời điểm, người con dâu đang mang thai, chưa sinh con. Vậy đứa bé chưa được sinh ra này, có được thừa kế di sản của ông nội để lại theo quy định tại điều 652 hay không, thưa luật sư?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời:
Tại Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Do đó, nếu tại thời điểm mở thừa kế (tức là thời điểm người cha chồng chết) mà người con dâu đã đang mang thai (tức là người cháu đã thành thai trước thời điểm người ông nội chết) và khi sinh ra người cháu này còn sống thì người cháu vẫn sẽ vẫn được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản thừa kế của người ông nội theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015.
Vì vậy, Khoản 1 Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.”
Liên quan đến thừa kế thế vị, nếu như ông và cha mất cùng thời điểm, người con không phải là con đẻ mà là con nuôi của người cha thì có được hưởng thừa kế theo quy định về thừa kế thế vị hay không, thưa luật sư? Vì điều luật 652 chỉ nói cháu được hưởng di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu như còn sống, không đề cập là con đẻ, con nuôi.
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời:
Pháp luật luôn ghi nhận và bảo vệ quyền bình đẳng giữa con đẻ và con nuôi. Và tại Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”. Do đó, nếu người con là con nuôi thì vẫn sẽ được hưởng di sản thừa kế của người cha nuôi theo quy định của pháp luật (như đối với con đẻ). Và vì vậy, người con nuôi này vẫn sẽ được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản của người ông theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015.
Đây là trong trường hợp người để lại di sản thừa kế không để lại di chúc. Nhưng nếu trong trường hợp người cha trước khi chết đã để lại di chúc ghi rõ cho con trai mình thừa kế toàn bộ di sản, nhưng người con trai lại mất cùng thời điểm với cha mình. Vậy luật sư có thể cho biết, phần di sản thừa kế này sẽ xử lý ra sao?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS –Đoàn Luật Sư Thành phố Hà Nội trả lời:
Nếu người cha đã lập di chúc để lại toàn bộ di sản cho người con mà người con này lại chết cùng thời điểm với người cha thì theo quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều 643 Bộ luật dân sự năm năm 2015, toàn bộ di chúc này sẽ không có hiệu lực. Và trong trường hợp này, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 thì toàn bộ di sản của người cha đã được định đoạt trong di chúc cho người con (đã chết cùng thời điểm với người cha) sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật pháp luật của người cha theo quy định về thừa kế theo pháp luật, không phụ thuộc vào nội dung di chúc của người cha đã lập.
Ý kiến trả lời độc giả của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc, Công Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) phát sóng trên Kênh VOV2 – Ban Văn Hóa Xã Hội – Đài Tiếng Nói Việt Nam:
https://vov2.vov.vn/phap-luat/em-trai-co-duoc-thua-ke-tai-san-cua-anh-ruot-28563.vov2
Đội ngũ luật sư bào chữa – Công ty Luật TGS
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS
Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
- Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 0984.769.278
- Email: info.tgslaw@gmail.com
- Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!