Hạn mức công nhận đất ở

Mời quý vị nghe tư vấn của Thạc sỹ – luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Công Luật TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) trên Kênh VOV2 – Đài Tiếng nói Việt Nam, về trường hợp gia đình anh Phạm Văn Toản tại đây:

Chúng tôi đã nhận được điện thoại của anh Phạm Văn Toản ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với nội dung:

Năm 1992 được cấp một mảnh đất diện chính sách, vừa rồi làm giấy chứng nhận, huyện ra quyết định cho em làm sổ chứng nhận nhà đất, huyện lại chỉ ra quyết định 180m2 giảm 40% còn trên 180m2 thì nộp 100% là 1,7 triệu, như vậy có đúng không?

Thưa luật sư, mức 180m2 mà anh Toản đề cập ở đây có phải là quy định về hạn mức đất ở hay không? Như anh Toản cho biết, đất anh được cấp từ năm 1992, vậy có trường hợp nào thửa đất lớn hơn 180m2 mà được công nhận toàn bộ là đất ở hay không?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì hạn mức giao đất, công nhận là đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân sẽ do UBND cấp tỉnh quy định. Và theo Khoản 1 Điều 3, Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/06/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định về hạn mức giao đất ở trên địa bàn Thành phố Hà Nội, theo đó: Đối với khu vực các phường thì mức tối đa là 90m2; khu vực các xã giáp ranh các quận và thị trấn là 120m2; khu vực các xã vùng đồng bằng là 180m2; khu vực xã vùng trung du là 240m2; và xã vùng miền núi là 300m2.

Theo quy định nêu trên thì có thể hiểu là diện tích 180m2 mà thính giả được giảm 40% tiền sử dụng đất là phần diện tích nằm trong hạn mức giao đất ở, còn diện tích phải nộp 100% tiền sử dụng đất là phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở tại địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì vẫn có những trường hợp diện tích đất được công nhận là đất ở sẽ lớn hơn hạn mức đất ở theo quy định. Ví dụ:

– Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đai năm 2013 thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó. Còn nếu các lọai giấy tờ nêu trên mà chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở theo quy định (Khoản 2 Điều 103 Luật Đất đai năm 2013).  

– Trường hợp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 (mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai) thì nếu diện tích dùng để làm nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì vẫn được công nhận theo đúng diện tích đã xây dựng đó (Điểm a, Khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ)

Như vậy đối với trường hợp này thì diện tích đất được công nhận là đất ở sẽ có thể lớn hơn hạn mức giao đất ở.

Việc UBND huyện ra quyết định giảm 40% tiền sử dụng đất với phần đất trong hạn mức, phần đất vượt hạn mức phải nộp 100% tiền sử dụng đất thì có đúng quy định hay không, thưa luật sư? Vì như tôi được biết có quy định đất sử dụng trước ngày 15/3/1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

Thạc. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Theo quy định của pháp luật thì không phải tất cả các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 thì đều không phải nộp tiền sử dụng đất. Việc xác định chính xác việc gia đình thính giả có phải nộp tiền sử dụng đất hay không, nếu có thì mức nộp tiền như thế nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, cũng như khi được giao đất thì gia đình thính giả đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay chưa?.v.v.

Và do thông tin mà thính giả cung cấp là chưa đầy đủ nên tôi không thể tư vấn đầy đủ và chính xác nhất cho thính giả về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc thu tiền sử dụng đất đối với gia đình thính giả theo thông tin mà thính giả cung cấp có thể là thuộc trường hợp thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2004 theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó:

Nếu thửa đất của gia đình thính giả được giao không đúng thẩm quyền (do thôn, xã, hoặc Hợp tác xã giao đất.v.v..) mà có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất thì khi được cấp Giấy chứng nhận sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất (Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ).

– Nếu thính giả không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất thì khi được cấp Giấy chứng nhận sẽ phải nộp tiền sử dụng đất bằng 40% tiền sử dụng đất theo giá đất ở đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở tại địa phương; bằng 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ)

Theo tôi thì thính giả nên liên hệ trực tiếp với Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi cục thuế nơi có đất đề nghị được giải thích rõ ràng và cụ thể về trường hợp thu tiền sử dụng đất của gia đình mình.

Nếu không đồng ý với quyết định thu tiền sử dụng đất của UBND huyện, anh Toản cần phải làm gì, thưa luật sư?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Trong trường hợp thính giả không đồng ý, cho rằng việc thu tiền sử dụng đất đối với gia đình là trái pháp luật thì thính giả có quyền khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015, để đề nghị những người hoặc Tòa án có thẩm quyền xem xét, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho gia đình thính giả.

call-to-like

Đội ngũ luật sư bào chữa – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!