Những gã công nghệ khổng lồ đang hàng ngày thu lời dựa trên truyền thông, báo chí
Những gã công nghệ khổng lồ đang hàng ngày thu lời dựa trên truyền thông, báo chí

Những gã công nghệ khổng lồ đang hàng ngày thu lời dựa trên truyền thông, báo chí

Vừa qua, Úc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua một luật yêu cầu những “người khổng lồ” về công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, tập đoàn truyền thông, nhà sản xuất những nội dung xuất hiện trên các nền tảng công nghệ.

Những gã công nghệ khổng lồ đang hàng ngày thu lời dựa trên truyền thông, báo chí

Dự luật của Úc buộc các hãng công nghệ như Facebook, Google và các đơn vị báo chí truyền thông phải tuân theo một cách thức phân xử của chính quyền nếu tự họ không thể đạt được thỏa thuận riêng với nhau về việc chi trả tiền bản quyền tin tức.

Quan điểm của Luật sư về vấn đề trả tiền phí báo chí trên nền tảng công nghệ. Từ sự việc trên, theo Luật sư thì Việt Nam có thể học hỏi các kinh nghiệm gì?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Với sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học – công nghệ thì mạng internet và các mạng xã hội đã trở thành những kênh tiếp cận và trao đổi thông tin phổ biến, chủ yếu nhất hiện nay. Với những sự tiện dụng vượt trội thì ngày càng có nhiều người chọn xem tin tức trực tuyến miễn phí trên các nền tảng công nghệ như Facebook, Google.v.v… đã làm giảm đi đáng kể nhu cầu tìm kiếm thông tin qua các kênh truyền thống khác (đọc báo, xem tivi hoặc các trang báo điện tử chính thống). Điều này đã gây ra những khó khăn rất lớn cho ngành báo chí, truyền thông trên toàn thế giới, đẩy rất nhiều hãng truyền thông, báo chí trên thế giới vào tình trạng không có đủ nguồn thu để duy trì hoạt động, phải thu hẹp quy mô, đóng cửa, ngừng xuất bản.

Các hãng công nghệ toàn cầu không phải là người sản xuất, tạo ra các tin tức, nội dung báo chí được hiển thị, chia sẻ trên Google hoặc Facebook.v.v.. mà đó là sản phẩm, tài sản trí tuệ của các phóng viên, nhà báo, các hãng truyền thông, báo chí. Họ mới là chủ thể đã đầu tư tài chính, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực và trí tuệ để thu thập thông tin, viết bài, sản xuất, tạo ra các nội dung đó. Tuy nhiên, Google hay Facebook lại đang thu được các khoản phí quảng cáo, phí khai thác khổng lồ nhờ việc hiển thị các tin tức, nội dung báo chí. Các tin tức, sản phẩm báo chí thường có chất lượng cao, được người dùng quan tâm và chia sẻ rất nhiều, trở thành một phần quan trọng giữ chân và gia tăng lượng người và thời gian sử dụng các nền tảng công nghệ của Facebook và Google, giúp cho các hãng công nghệ này thu hút được nhiều quảng cáo hơn. Trong khi đó, các hãng truyền thông, báo chí lại không được hưởng quá nhiều lợi ích thương mại từ việc này mà ngược lại còn làm giảm nhu cầu của mọi người vào việc xem hoặc tương tác trực tiếp với chính các kênh truyền thông, báo chí truyền thống. Thực tế, các “gã khổng lồ công nghệ” đang trở thành “hố đen” thu hút quảng cáo trên toàn cầu, đem về cho họ những khoản lợi nhuận khổng lồ, đồng thời gây ra những áp lực rất lớn đối với các hãng truyền thông, báo chí. Điều đó đã tạo ra sự “mất cân bằng” về “quyền lực” và sự bất công về quyền lợi ngày càng lớn giữa các hãng công nghệ toàn cầu và các hãng truyền thông, báo chí.

Xét về mặt pháp lý, các sản phẩm báo chí là đối tượng được bảo vệ bản quyền theo quy định pháp luật về sơ hữu trí tuệ trên toàn cầu. Do đó, khi Facebook, Google hay các nền tảng tương tự được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác, sử dụng các sản phẩm thuộc bản quyền báo chí thì họ phải trả phí, phân chia lợi nhuận với chủ sở hữu, những người đã tạo ra các sản phẩm đó. Vì vậy, Australia thông qua Dự luật yêu cầu Facebook, Google và các công ty công nghệ tương phải đàm phán, thỏa thuận về việc trả phí cho các hãng truyền thông cho việc hiển thị, chia sẻ các tin tức, nội dung báo chí trên các nền tảng của họ là phù hợp với nguyên tắc “công bằng” của pháp luật và tinh thần của Luật sở hữu trí tuệ trên thế giới.

Và đặc biệt sự kiện này đã gây được tiếng vang rất lớn, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc đấu tranh chống lại “quyền lực” và sự “bành chướng” ngày càng lớn của các hãng công nghệ xuyên quốc gia, nhận được chú ý rất lớn cộng đồng quốc tế. Phần lớn Chính phủ các Quốc gia trên thế giới đều bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ rất cao với Luật này của Australia, và có một xu hướng rất rõ ràng là trong thời gian tới sẽ có nhiều nước khác sẽ “noi gương” của Australia, đưa ra các quy định tương tự, nhằm bảo vệ các hãng truyền thông, báo chí của nước mình. Về phía các hãng công nghệ thì Google và Facebook cũng đã hoặc đang lên kế hoạch để xúc tiến việc đàm phán, thương lượng về việc trả phí với các hãng truyền thông, báo chí tại nhiều Quốc Gia trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng và các các cơ quan truyền thông, báo chí của Việt Nam sẽ không thể “ngồi im” mà cần phải có những hành động thích hợp, để đảm bảo quyền lợi cho ngành truyền thông, báo chí trong nước, đây là đòi hỏi mang tính tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, việc đấu tranh đòi quyền lợi, buộc các hãng công nghệ như Facebook hay Google phải chia sẻ lợi nhuận là vấn đề không đơn giản, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề tương quan lợi ích giữa các bên, tầm quan trọng của thị trường từng Quốc gia. Do đó, chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm của Australia và các Quốc gia khác nhưng không thể dập khuôn máy móc mà phải có những giải pháp và phương án giải quyết của riêng mình.

Với những ưu thế vượt trội của các “đại gia công nghệ toàn cầu” như Facebook hoặc Google thì việc thương lượng đơn lẻ của từng cơ quan truyền thông, báo chí sẽ không đảm bảo sự “cân bằng” trong khả năng đàm phán, dễ dẫn đến những thua thiệt về lợi ích, thậm chí là thất bại trong đàm phán. Do đó, các cơ quan truyền thông, báo chí của Việt Nam rất cần liên kết, liên minh lại với nhau, tạo ra cơ chế thương lượng tập thể, với sự hậu thuẫn, trợ giúp của các cơ quan chức năng, cũng như sự bảo vệ của các quy định pháp lý thì mới có thể đạt được những kết quả mang tính tích cực và công bằng.

Nhiều ý kiến cho rằng: “Hiện nay cơ sở pháp lý trong lĩnh vực bản quyền của Việt Nam không hề đề cập đến các nội dung chi trả tiền bản quyền tin tức. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế hiện này, việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến trả tiền bản quyền, thu tiền từ nền tảng mạng xã hội là vô cùng cần thiết”. Anh có đồng ý với quan điểm này không ạ?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và Luật báo chí hiện hành đã có nhiều quy định để bảo vệ bản quyền đối với các tác phẩm báo chí. Theo đó, tác phẩm báo chí là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Tại Khoản 3 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ có quy định: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trong đó có quyền “truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác” sẽ  phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành là chưa tạo ra được những cơ sở và hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp và thống nhất để điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan truyền thông, báo chí Việt Nam và các nền tảng công nghệ như Facebook hoặc Google. Mặt khác, trong quan hệ này cũng có những điểm đặc thù, khác biệt so với các quan hệ về bảo hộ quyền tác giả thông thường. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng các quy định riêng biệt thì mới có đủ cơ sở pháp lý thể buộc các hãng công nghệ như Facebook và Google trả tiền bản quyền cho việc khai thác và sử dụng các tác phẩm báo chí tại Việt Nam, cũng như bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước. Và tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo các quy định của Australia và các Quốc gia khác, để có thể ban hành được các quy định hiệu quả và phù hợp nhất đối với Việt Nam.

Thực tế, không phải là pháp luật nước ta không có quy định về việc chi trả tiền bản quyền tin tức, bài báo. Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tác phẩm báo chí là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Và theo Khoản 3, Điều 20: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”

Trong khoản 1 Điều 20, trong các quyền tài sản có bao gồm quyền: truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; và quyền tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.

Tuy nhiên, với các quy định trên lại chưa thể cáo buộc về việc xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm của các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm bởi lẽ việc chỉ trích dẫn một phần, tóm tắt nội dung tin tức hay dẫn lại tiêu đề bài báo lại không đủ yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định pháp luật, mặc dù họ có khai thác chúng để kiếm lợi cho mình.

Do đó, chúng ta cần phải có biện pháp lập pháp, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tham khảo dự luật của Úc và thực tiễn thi hành để rút kinh nghiệm cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý các mạng xã hội tại Việt Nam đúng theo tinh thần của Luật an ninh mạng đã có hiệu lực. Tôi tin rằng, khi các nước trên trên thế giới đều nhìn nhận ra vấn đề và đồng lòng thực hiện, thậm chí có những điều ước quốc tế, khi đó sẽ có đủ sức ép để đưa cán cân thông tin, tri thức về điểm cân bằng.

Ý kiến của Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Hãng Luật TGS đã được đăng tải trên Tạp chí Luật sư Việt Nam (Cơ quan Ngôn Luận của Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam): https://lsvn.vn/thu-tien-tu-nen-tang-mang-xa-hoi-nhung-ga-khong-lo-cong-nghe-van-dang-thu-loi-dua-tren-truyen-thong-bao-chi1615258437.html

 

call-to-like

Đội ngũ luật sư đất đai – Hãng Luật TGS LAWFIRM

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!