Tổng hợp tình huống hình sự tháng 12/2022

Người bị tố giác có quyền gì? Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác là ai? Nếu như không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội người bị tố giác giải quyết như nào?

Em cho anh hỏi là người bị tố giác thì có quyền gì? Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác là ai? Nếu như không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội người bị tố giác thì giải quyết như nào?

Trả lời:

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về khái niệm người bị tố giác. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tố giác tội phạm thì có thể định nghĩa người bị tố giác như sau: “Người bị tố giác là người bị người khác phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Người bị tố giác có quyền sau đây:

  • Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
  • Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
  • Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
  • Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
  • Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
  • Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
  • Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị tố giác có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định pháp luật. Đây là người được người bị tố giác nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và có thể là: Luật sư; Bào chữa viên nhân dân; Người đại diện và Trợ giúp viên pháp lý (theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trường hợp không có căn cứ để buộc tội người bị tố giác thì cơ quan cảnh sát điều tra phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”

Khi đó, cơ quan cảnh sát điều tra phải ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015 và Thông báo cho các bên được biết theo quy định pháp luật.

Người thân thích của người làm chứng trong vụ án hình sự có được áp dụng biện pháp bảo vệ không?

Em cho anh hỏi là người thân thích của người làm chứng trong vụ án hình sự thì có được áp dụng biện pháp bảo vệ không? Có các biện pháp bảo vệ nào đối với người làm chứng và người thân thích của người làm chứng trong vụ án hình sự? 

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 484 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì những người được bảo vệ gồm:

  • Người tố giác tội phạm;
  • Người làm chứng;
  • Bị hại;
  • Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.

Theo đó, người làm chứng và người thân thích của người làm chứng trong vụ án hình sự đều được pháp luật bảo vệ.

Các biện pháp bảo vệ đối với người làm chứng và người thân thích của người làm chứng trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 486 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 gồm:

  • Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;
  • Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;
  • Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
  • Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;
  • Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;
  • Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ nêu trên chỉ được áp dụng khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp để bảo vệ họ theo quy định pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ hay không?

Cho anh hỏi. Bình thường thì Tòa án chỉ làm giờ hành chính. Vậy Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ hay không? Có bao nhiêu biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Trả lời

Tại Khoản 3 Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện như sau: “3. Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.”

Theo đó thì thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là 48 giờ. Do thời hạn tính bằng giờ nên thời điểm kết thúc thời hạn cũng tính bằng giờ, không phụ thuộc thời điểm kết thúc thời hạn đó vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Vì vậy, nếu Tòa án nhận đơn và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày làm việc cuối cùng trong tuần hay các ngày giáp các ngày lễ, tết thì Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán để xem xét việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đảm bảo đúng thời hạn 48 giờ theo quy định trên. Nói cách khác, thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể diễn ra vào các ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, tết.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý như thế nào?

Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 69 Luật thi hành án hình sự năm 2019 về xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính:

Điều 69. Xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính

Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 62 của Luật này thì Công an cấp xã lập biên bản vi phạm; trường hợp cố ý vi phạm lần thứ hai thì lập biên bản vi phạm và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã.

Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện do đơn vị quân đội quản lý cố ý vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 62 của Luật này thì đơn vị quân đội được giao quản lý lập biên bản vi phạm; trường hợp cố ý vi phạm lần thứ hai thì lập biên bản vi phạm và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì Công an cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện do đơn vị quân đội quản lý vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì đơn vị quân đội được giao quản lý báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Công an cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã phải có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kèm theo biên bản vi phạm nghĩa vụ hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các tài liệu khác có liên quan đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để tiến hành thủ tục đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kèm theo biên bản vi phạm nghĩa vụ hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các tài liệu khác có liên quan của đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tiến hành thủ tục đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Như vậy, theo quy định trên thì người được tha tù trước thời hạn có điện kiện nếu như người này cố ý vi phạm nghĩa vụ tại Điều 62 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì sẽ bị lập biên bản vi phạm.

Trường hợp người này vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì Công an xã sẽ báo cáo cho Ủy ban nhân dân xã biết. Trong vòng 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân xã sẽ có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người này.

Ai có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự?

Cho tôi hỏi: Ai có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự? 

Trả lời

5.1. Ai có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự?

Căn cứ theo quy định tại Điều 190 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự như sau: “Người chấp hành án và mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong thi hành án hình sự mà gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”

Như vậy, căn cứ quy định trên thì tất cả mọi công dân, người chấp hành án sẽ có quyền tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đến Nhà nước, tổ chức, cơ quan và cá nhân.

5.2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự?

Căn cứ vào Điều 192 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Công an cấp xã;
  • Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
  • Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;
  • Tư lệnh Quân khu và tương đương giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
  • Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý.
  • Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.

Kiểm sát viên được rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố vụ án hình sự tại phiên tòa xét xử không?

Em ơi cho anh hỏi: Kiểm sát viên được quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố vụ án hình sự tại phiên tòa xét xử không? Và được rút dựa trên những căn cứ nào? 

Trả lời

6.1. Kiểm sát viên được quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố vụ án hình sự tại phiên toàn xét xử  không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (sau đây gọi chung là Quy chế) ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định như sau:

Rút quyết định truy tố; kết luận về khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố

  1. Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát. Trường hợp có đủ căn cứ để kết luận về một tội danh khác nặng hơn thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định.

Như vậy, Kiểm sát viên được quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố vụ án hình sự tại phiên tòa xét xử sau khi xét hỏi và có căn cứ rõ ràng. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát.

6.2. Kiểm sát viên được rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố vụ án hình sự dựa trên những căn cứ nào?

Căn cứ theo Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:” Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.”

Và căn cứ theo Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2021 quy định như sau:

“Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

  1. Không có sự việc phạm tội;
  2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
  3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
  4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
  5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
  6. Tội phạm đã được đại xá;
  7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
  8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.”

Như vậy, kiểm sát viên được quyền rút quyết định truy tố vụ án hình sự khi có những căn cứ được quy định như trên.

Phạm nhân là người nước ngoài được hưởng chế độ chính sách gì? Phạm nhân là người nước ngoài thì có được bố trí giam giữ riêng không? Nếu người đó chết trong trại giam thì sao?

Trả lời

7.1. Phạm nhân là người nước ngoài được hưởng chế độ chính sách gì?

Căn cứ vào Điều 27 Nghị định 133/2020/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi hành án hình sự: “Phạm nhân là người nước ngoài được hưởng các quy định về chế độ, chính sách như đối với phạm nhân là người Việt Nam, ngoài ra còn được nghỉ thêm 01 ngày Quốc khánh và 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc của nước mà phạm nhân mang quốc tịch. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.”

Như vậy, phạm nhân là người nước ngoài được hưởng các quy định về chế độ chính sách như đối với phạm nhân là người Việt Nam.

Ngoài ra, phạm nhân là người nước ngoài còn được nghỉ thêm 01 ngày Quốc khánh và 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc của nước mà phạm nhân mang quốc tịch. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

7.2. Phạm nhân là người nước ngoài thì có được bố trí giam giữ riêng không?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về giam giữ phạm nhân như sau:

“2. Trong các khu giam giữ quy định tại khoản 1 Điều này, những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:

  1. a) Phạm nhân nữ;
  2. b) Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;
  3. c) Phạm nhân là người nước ngoài;
  4. d) Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

đ) Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án;

  1. e) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;
  2. g) Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân”.

Như vậy, từ quy định trên cho thấy phạm nhân là người nước ngoài cũng thuộc vào trường hợp được bố trí giam giữ riêng.

7.3. Nếu người đó chết trong trại giam thì sao?

Căn cứ vào Điều 56 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như sau:

Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài chết, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; Đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức mai táng.

Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài chết, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi thông báo về phạm nhân chết, nếu cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch không đề nghị nhận tử thi thì trại giam tổ chức mai táng.

Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.

Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài thì việc nhận tử thi hoặc hài cốt phải được cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định.

Cơ quan thi hành án dân sự có được kê biên nhà ở của người phải thi hành án khi người đó chỉ có một căn nhà duy nhất hay không?

Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một căn nhà duy nhất thì cơ quan thi hành án dân sự có được phép kê biên nhà ở đối với người này hay không?

Trả lời:

Một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án là kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ, được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật thi hành án dân sự).

Cụ thể hóa việc kê biên tài sản, Điều 89 đến Điều 97 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định nguyên tắc, thủ tục kê biên tài sản trong một số trường hợp nhất định như kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm; Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp; Kê biên vốn góp; Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói hay kê biên nhà ở;…

Trong đó, khoản 1 và khoản 2 điều 95 Luật thi hành án dân sự năm 2008 về Kê biên nhà ở có quy định như sau:

“1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.

  1. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà….”

Theo đó, trường hợp người phải thi hành án chỉ có một căn nhà duy nhất thì cơ quan thi hành án dân sự được phép kê biên nhà khi đã xác định được người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án. Khi kê biên nhà ở thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

Khi tới kê biên nhà ở mà nhà ở bị khóa thì cơ quan thi hành án có được tiến hành cưỡng chế mở khóa, phá khóa không?

Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 điều 95 Luật thi hành án dân sự năm 2008 cũng quy định “Việc kê biên nhà ở bị khóa được thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này”.

Chiếu theo đó, điều 93 Luật thi hành án dân sự năm 2008 về Kê biên tài sản gắn liền với đất có quy định:

“Khi kê biên đồ vật đang bị khoá hoặc đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khoá, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khoá, phá khoá hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khoá, phá khóa, mở gói.

Trường hợp cần thiết, sau khi mở khoá, phá khoá, mở gói, Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định tại Điều 58 của Luật này.

Việc mở khoá, phá khoá, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.”

Theo đó, khi kê biên nhà ở đang bị khóa thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý nhà ở mở khóa, nếu không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khóa, phá khóa. Trong trường hợp này phải có người làm chứng, Chấp hành viên cũng phải lập biên bản về việc mở khóa, phá khóa, trên biên bản phải có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khóa, phá khóa.

Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại giam được nghỉ lao động trong những trường hợp nào?

Tôi có thắc mắc là: Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại giam được nghỉ lao động trong những trường hợp nào? Kết quả lao động của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại giam sẽ được sử dụng cho mục đích gì?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2012-TTLT-BCA-BQP-BTC ngày 02/12/2013 hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại giam được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây:

Điều 4. Chế độ lao động của phạm nhân

Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây được nghỉ lao động:

a) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khỏe để lao động và được y tế của trại giam xác nhận;

c) Phạm nhân đang điều trị tại trạm xá, bệnh xá hoặc bệnh viện;

đ) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế của trại giam xác nhận.

Như vậy phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ được nghỉ lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2012-TTLT-BCA-BQP-BTC.

Về việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại giam, Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định như sau:

Điều 34. Sử dụng kết quả lao động của phạm nhân

Kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý được sử dụng như sau:

a) Bổ sung mức ăn cho phạm nhân;

b) Lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù;

c) Bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam;

d) Chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù;

đ) Chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất; chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động.

Phạm nhân được sử dụng theo quy định số tiền thưởng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này và số tiền được nhận quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này hoặc gửi trại giam quản lý và được nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù.

Việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Cụ thể, kết quả lao động của phạm nhân sẽ được sử dụng theo tỉ lệ phần trăm như sau:

  • Trích 14% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân
  • Trích 2% lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi tư vấn, hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù. Trại giam tiến hành các hoạt động hỗ trợ, tổ chức giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, tư vấn, liên hệ tìm việc làm và các hoạt động khác có liên quan đến việc tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.
  • Trích 12% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động.
  • Trích 22% bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam
  • Trích 50% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.

Cá nhân không lập đơn yêu cầu thi hành án dân sự mà trình bày trực tiếp bằng lời nói thì có được hay không?

Cho tôi hỏi trường hợp người yêu cầu thi hành án dân sự không lập đơn yêu cầu theo quy định mà trình bày trực tiếp bằng lời nói thì phải làm thế nào? Việc trình bày bằng lời nói có hiệu lực pháp luật không? Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật hiện nay là bao nhiêu năm?

Trả lời:

10.1 trường hợp người yêu cầu thi hành án dân sự không lập đơn yêu cầu theo quy định mà trình bày trực tiếp bằng lời nói thì phải làm thế nào? Việc trình bày bằng lời nói có hiệu lực pháp luật không?

Căn cứ Khoản 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định như sau:

…..

  1. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.

Theo đó, trường hợp người yêu cầu không lập đơn yêu cầu thi hành án mà trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định như:

– Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

– Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

– Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

– Nội dung yêu cầu thi hành án;

– Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

10.2 Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật hiện nay là bao nhiêu năm?

Căn cứ Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự như sau:

Thời hiệu yêu cầu thi hành án

  1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Như vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!