Án treo và án cải tạo không giam giữ

Tội danh nào được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ?

Ý kiến của Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Hãng Luật TGS được đăng tải trên Báo điện tử VOV2 (Cơ quan Ngôn Luận của Đài Tiếng Nói Việt Nam):

Trong các hình phạt để xử lý hình sự thì cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt không thể không nhắc đến:

– Thu ơi, xảy ra chuyện lớn rồi, ông Tài với ông Tú bị công an bắt rồi, hình như vì tội lừa đảo tài sản ấy.

– Thế sao lại lừa đảo tài sản, tốt nhất chị em mình lên công an xem như thế nào?

– Chúng em chào anh, xin anh tư vấn, hai người chồng của chúng em đi lừa đảo tài sản 20 triệu của người khác, may là do lần đầu, gia đình đã khắc phục, đền bù thiệt hại nhưng một người tuyên án treo, một người thì bị cải tạo không giam giữ, vậy thì khác gì nhau ạ?

Vâng, vậy chúng ta phải hiểu hình phạt cải tạo không giam giữ là gì? Khi nào thì áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ? Cải tạo không giam giữ khác với án treo ra sao?

Thưa luật sư, điều 32 của Bộ luật Hình sự quy định về các hình phạt đối với người phạm tội trong đó có hình phạt cải tạo không giam giữ. Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào về hình phạt này? Thông thường cứ nói tới xử lý hình sự là nhiều người hay hiểu nghĩa là phải đi tù.

Khi nhắc đến trách nhiệm hình sự thì nhiều người thường hay nghĩ ngay đến hình phạt tù. Tuy nhiên, ngoài các hình phạt “tù có thời hạn” hoặc “tù chung thân” thì Bộ luật hình sự còn quy định rất nhiều các loại hình phạt khác như: Cảnh cáo; Phạt tiền;  Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; và nặng nhất là Tử hình, cũng như các hình phạt bổ sung (Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản). So với các Bộ luật hình sự trước đây, thì Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa bổ sung năm 2017 còn bổ sung thêm các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, đó là các hình phạt: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn.

Trong đó, cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt chính, nhẹ hơn hình phạt tù nhưng nặng hơn hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Khác với hình phạt tù, là người bị kết án sẽ bị cách ly khỏi xã hội, phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ, thì đối với hình phạt “cải tạo không giam giữ”, người bị kết án vẫn được sống, lao động và học tập ngoài xã hội, và được giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục, với thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đồng thời, họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật như: Bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% (hàng tháng) để sung quỹ nhà nước; nếu không có việc làm hoặc bị mất việc làm thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Như vậy, cải tạo không giam giữ là hình phạt không bắt buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội. Vậy hình phạt này sẽ được áp dụng với những tội danh nào thưa luật sư? Chắc chắn là những tội như giết người hay cố ý gây thương tích hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khó có thể để người phạm tội vẫn sinh sống trong cộng đồng được phải không ạ?

Do “cải tạo không giam giữ” hình phạt tương đối nhẹ, người bị kết án sẽ không bị cách ly khỏi xã hội nên theo quy định tại Điều 36 Bộ luật hình sự thì hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc phạm tội nghiêm trọng, còn những người phạm tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng hình phạt này.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng cũng có thể được áp dụng hình phạt “cải tạo không giam giữ” mà điều kiện đầu tiên là Điều luật về tội phạm đó phải có quy định hình phạt “cải tạo không giam giữ” là một loại hình phạt có thể được áp dụng trong trường hợp phạm tội của người đó. Và thông thường thì hình phạt này chỉ được quy định tại Khoản 1 (thường trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng ít nhất của tội danh đó) như: Tại Khoản 1 Điều 128 về “Tội vô ý làm chết người”; Khoản 1 Điều 156 về “Tội vu khống” và Khoản 1 Điều 174 về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.v.v…

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tội danh mà do tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của một số tội danh là rất lớn, cần phải nghiêm trị người phạm tội thì mới đảm bảo tính giáo dục, cũng như phòng ngừa chung. Do đó, Điều luật về những tội danh đó đã không quy định hình phạt cải tạo không giam giữ như: Tội giết người (Điều 123); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125); tội hiếp dâm (Điều 141), tội cướp tài sản (Điều 168).v.v.. Do đó, đối với các tội danh này thì người phạm tội không thể được áp dụng hình phạt “cải tạo không giam giữ”.

 Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả của việc giáo dục, cải tạo thì để được áp dụng hình phạt “cải tạo không giam giữ” thì người phạm tội phải có thêm các điều kiện, đó là: “Đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.”

 Ông Chu Văn Thuy ở Thái Nguyên trình bày vụ án của con mình như sau:

Đánh bạc có 11 người thì con tôi đi tù, 5 người bị cải tạo không giam giữ, 5 người án treo thì là đúng hay sai?

Như vậy cùng một hành vi đánh bạc nhưng mỗi người lại phải chịu hình phạt hình sự khác nhau. Vậy hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt án treo khác gì nhau thưa luật sư? Tôi thấy với cả hai hình phạt này, người phạm tội đều không phải ngồi tù và vẫn sống ở cộng đồng.

Việc nhiều người cùng thực hiện một hành vi phạm tội, hoặc có các hành vi phạm tội tương tự nhau nhưng mỗi người phạm tội cụ thể lại phải chịu những loại và mức hình phạt nặng nhẹ khác nhau là không trái quy định của pháp luật. Bởi vì, Điều 50 Bộ luật hình sự quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhc tính chất và mức độ nguy him cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự

Theo quy định này, khi quyết định loại và mức hình phạt riêng cho từng người phạm tội cụ thể thì Tòa án không chỉ căn cứ vào những hành vi khách quan mà người đó đã thực hiện mà còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: “Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự” của từng người phạm tội cụ thể.

Trong khi đó, các yếu tố này ở từng người phạm tội cụ thể thường là không giống nhau. Ví dụ, có nhiều người cùng tham gia đánh bạc nhưng vai trò của mỗi người là khác nhau (có người chủ mưu, cầm đầu, xúi dục, có người giữ vai thực hành; số tiền sử dụng đánh bạc của mỗi người cũng là khác nhau; có người thì đã có tiền án, tiền sự, hoặc ngoan cố, không thành khẩn khai báo nhưng cũng có những người phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích xuất sắc, được tăng bằng khen, huân chương trong học tập, lao động, sản xuất,  ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, thậm chí tích cực hợp tác, giúp đỡ Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.v.v..) nên dẫn đến việc Tòa án quyết định hình phạt cho mỗi người phạm tội cụ thể là khác nhau. Điều này đảm bảo cho việc Tòa án có thể đưa ra được những loại và mức hình phạt công bằng, tương xứng, phù hợp nhất với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, cũng như khả năng giáo dục, cải tạo của từng người phạm cụ thể.  Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Toa án muốn tuyên hình phạt nào cũng được mà mọi sự xem xét, đánh giá và quyết định hình phạt của Tòa án phải được căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cải tạo không giam giữ và án treo có điểm chung là người bị kết án không bị cách ly khỏi xã hội, và phải chịu sự quản lý và giám sát của chính quyền địa phương, hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Tuy nhiên, hai chế tài này có sự khác nhau rất lớn về bản chất pháp lý, đó là:

Thứ nhất: Cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt chính, còn án treo không phải là một loại hình phạt mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Tại Điều 65 BLHS quy định: “ Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”

Theo quy định này thì chúng ta có thể hiểu, người được hưởng án treo là người đã bị kết án phạt tù nhưng do thỏa mãn các điều kiện luật định (Bị xử phạt tù không quá 03 năm; Có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; và xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù) nên được miễn chấp hành hình phạt tù.

Do đó, về mặt pháp lý thì “án treo” sẽ được coi là nặng hơn so với “cải tạo không giam giữ”. Do đó, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của những người này cũng có những điểm khác nhau, trong đó nổi bật nhất là việc xử lý vi phạm nghĩa vụ của họ.

Vì “án treo” là việc miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên án phạt tù này vẫn bị “treo” trong suốt thời gian thử thách mà Tòa án ấn định. Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự, nếu người được hưởng “án treo” cố tình vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc phạm tội mới thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, tức là người này sẽ không được miễn chấp hành hình phạt tù nữa.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 105 Luật thi hành án hình sự năm 2019, nếu người bị phạt cải tạo không giam giữ mà cố tình vi phạm nghĩa vụ thì sẽ bị nhắc nhở hoặc kiểm điểm, xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự về “Tội không chấp hành án” (Điều 380 Bộ luật hình sự) mà không bị chuyển từ hình phạt “Cải tạo không giam giữ sang “Phạt tù” như đối với án treo.

Cải tạo không giam giữ thường kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm và là hình phạt tòa tuyên án với người phạm tội. Tuy nhiên, thông thường, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, trong quá trình điều tra, người phạm tội sẽ bị tạm giữ, tạm giam. Vậy thời gian tạm giữ, tạm giam này có được trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ không, thưa luật sư? Vì tôi thấy với hình phạt tù, thời gian tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.

Tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật hình sự: “Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.”

Thưa luật sư, khi phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án sẽ phải thực hiện những nghĩa vụ gì? Họ có phải trình diện hàng tháng với cơ quan chức năng hay không hay là cơ quan nào sẽ giám sát quá trình cải tạo của họ?

Người bị phạt cải tạo không giam giữ sẽ hải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 Luật thi hành án hình sự năm 2019. Cụ thể như sau:

– Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án;

– Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án;

– Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật;

– Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc;

– Chấp hành quy định về việc vắng mặt, thay đổi nơi cư trú;

– Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

 – Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật này.

Thông thường, khi đặc xá, ân xá, người đang chấp hành án phạt tù có thể được giảm thời gian đi tù hoặc ra tù trước thời hạn. Vậy với người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, họ có được giảm thời gian chấp hành hình phạt hay được miễn chấp hành hình phạt hay không, thưa luật sư?

Người bị phạt cải tạo không giam giữ mà chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng; đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự (nếu có); hoặc bị bệnh hiểm nghèo, hay có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì có thể được giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 102, Điều 103 và Điều 104 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Ý kiến của Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Hãng Luật TGS đã được đăng tải trên Báo điện tử VOV2 (Cơ quan Ngôn Luận của Đài Tiếng Nói Việt Nam):

https://vov2.vov.vn/phap-luat/toi-danh-nao-duoc-ap-dung-hinh-phat-cai-tao-khong-giam-giu-25187.vov2

call-to-like

Đội ngũ luật sư bào chữa – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!