Vấn nạn ăn cắp bản quyền hình ảnh tại Việt Nam
Nội dung bài viết
- 1 1. Ý kiến của luật sư về vấn nạn ăn cắp bản quyền hình ảnh
- 2 2. Hình ảnh do cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải trên các trang cá nhân, mạng xã hội nhưng chưa đăng ký bản quyền, có được pháp luật bảo hộ hay không ?
- 3 3. Biện pháp nào để ngăn chặn việc ăn cắp bản quyền hình ảnh ?
- 4 4. Làm thế nào để bảo vệ hình ảnh, video do mình tự sản xuất ?
- 5 5. Chế tài xử phạt các hành vi ăn cắp bản quyền
- 6 6. Trong trường hợp này, Facebook và các trang mạng xã hội có trách nhiệm gì để trả lại công bằng cho bên bị ăn cắp bản quyền ?
Hiện nay, để phát triển thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh về hình ảnh, video,… Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn nạn ăn cắp bản quyền hình ảnh đã trở thành “truyền thống” của các doanh nghiệp đi sau và rất khó để giải quyết triệt để.
1. Ý kiến của luật sư về vấn nạn ăn cắp bản quyền hình ảnh
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội):
Thương hiệu là vấn đề mà không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quan tâm, nó còn được cả xã hội quan tâm. Đó là yếu tố tất yếu giúp cho các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của mình đến với khách hàng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho họ.
Tuy nhiên, lại có không ít các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp “ăn cắp”, sao chép bất hợp pháp bản quyền hình ảnh của các tác giả sáng tạo ra nó. Đây là hành vi gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả và xã hội. Nó không những huỷ hoại tính sáng tạo của tác phẩm mà còn gây mất uy tín thương hiệu mà doanh nghiệp chủ sở hữu gây dựng lên.
Mặc dù hiện nay chúng ta đã có đủ hành lang pháp lý, các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này như Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nhưng những chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, chỉ như “đá ném ao bèo” không làm chuyển biến được tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả trong nước hiện nay. Nhiều đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ” bị xử lý xong vẫn tái phạm gây phiền hà cho công tác quản lý trong nước.
2. Hình ảnh do cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải trên các trang cá nhân, mạng xã hội nhưng chưa đăng ký bản quyền, có được pháp luật bảo hộ hay không ?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời:
Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Khoản 2 Điều 49 Luật này cũng nêu: “Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan”.
⇒Như vậy, cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục nào với cơ quan nhà nước thì quyền tác giả của đối với tác phẩm vẫn được pháp luật bảo hộ.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại”.
⇒Như vậy, việc đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ có ý nghĩa tài liệu chứng minh khi có tranh chấp xảy ra. Do đó các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nên thực hiện để bảo vệ quyền lợi tác phẩm của mình một cách tốt nhất.
3. Biện pháp nào để ngăn chặn việc ăn cắp bản quyền hình ảnh ?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời:
Giải pháp để ngăn chặn tình trạng ăn cắp bản quyền hình ảnh hiện nay tôi cho rằng việc nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp nên cẩn trọng hơn trong việc quảng bá hình ảnh của mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như thanh tra, toà án cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và xử lý nhanh, dứt điểm, hỗ trợ các đơn vị bị vi phạm xử lý.
Để ngăn chặn, chúng ta phải có những biện pháp mạnh, không chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính mà cần phải truy tố về trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ để có cái nhìn rõ hơn, sâu hơn về thương hiệu.
4. Làm thế nào để bảo vệ hình ảnh, video do mình tự sản xuất ?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời:
Để bảo vệ bản quyền hình ảnh của mình, các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng những biện pháp sau:
– Áp dụng các biện pháp bảo mật thông tin dữ liệu trong quá trình sáng tạo và lưu trữ tránh tình trạng hình ảnh bị rò rỉ, lấy cắp như: sử dụng các phần mềm tiên tiến có tính bảo mật cao, thiết lập bảo mật với tệp lưu trữ, chỉ sử dụng mạng nội bộ giới hạn số người dùng, đặt mật khẩu cho các thiết bị lưu trữ,…
– Áp dụng các biện pháp bảo vệ pháp lý: đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với hình ảnh. Những biện pháp này được xem là lớp áo giáp hiệu quả chống lại tình trạng ăn cắp chất xám xảy ra thường xuyên như hiện nay.
Để bảo vệ hình ảnh do mình sáng tạo một cách tuyệt đối, các cá nhân, tổ chức khi sản xuất nên áp dụng song song cả hai biện pháp nêu trên.
5. Chế tài xử phạt các hành vi ăn cắp bản quyền
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng Luật TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Các hành vi ăn cắp bản quyền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tai Nghị định 131/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng (Điều 2).
Ngoài ra, nếu trường hợp vi phạm nghiêm trọng, các cá nhân, tổ chức này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy đinh tại Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) hoặc Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) Bộ luật hình sự 2015.
>>Có thể bạn quan tâm: Quy định xử lý xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật hiện hành
6. Trong trường hợp này, Facebook và các trang mạng xã hội có trách nhiệm gì để trả lại công bằng cho bên bị ăn cắp bản quyền ?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng Luật TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Các trang mạng xã hội cần có những chính sách, điều khoản dịch vụ cụ thể đối với nội dung bản quyền và các nội dung liên quan khi người dùng đăng tải hoặc sử dụng nội dung sáng tạo. Cần có chế tài mạnh mẽ đối với các hành vi ăn cắp bản quyền, vi phạm điều khoản như cảnh cáo, xóa tài khoản vĩnh viễn hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng thiệp, xử lý. Đồng thời, khi người dùng đăng tải nội dung sáng tạo, cần có hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp bảo hộ theo quy định. Các điều khoản này sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các tác giả (những người, tổ chức sáng tạo hình ảnh, nội dung) và ngăn chặn hành vi ăn cắp bản quyền.
Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....
Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
- Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 0984.769.278
- Email: info.tgslaw@gmail.com
- Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!