Nhiều dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng
Theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số và sản phẩm “ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện.
Dựa trên những yếu tố về địa lý, tại huyện Tân Lạc và đặc biệt tại khu vực xã Ngòi Hoa (nay là xã Suối Hoa), loạt dự án sinh thái, nghỉ dưỡng đã mọc lên hướng đến phát triển du lịch mạnh mẽ, tận dụng địa hình nằm trong vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Suối Hoa hiện có 4 doanh nghiệp đang đầu tư 4 dự án sinh thái, nghỉ dưỡng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư ( Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng, Công ty CP Đầu tư HS, Công ty CP Tập đoàn hồ Gươm, Công ty CP V’star Hoà Bình) và một doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư dự án mới (Công ty MIVI Hoà Bình). Tuy nhiên, loạt dự án tại xã Suối Hoa hầu hết đều đang ở trong “trạng thái” chậm tiến độ, hoặc triển khai cầm chừng, nguyên nhân phần lớn là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
Hiện trạng một dự án du lịch nghỉ dưỡng do Công ty Cổ phần TMDV MIVI Hoà Bình mới thoả thuận nhận chuyển nhượng được 9,8 ha/43 ha của tổng dự án. |
Trong các dự án nêu trên có duy nhất Công ty HS đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất được 93% và đang triển khai dự án. Còn các dự án khác chỉ mới giải phóng được hơn một nửa diện tích được phê duyệt (Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng được 79,85 ha/146,6 ha, đạt 79,4%; Công ty CP V’star Hoà Bình được 102/164,81 ha), thậm chí, có dự án chỉ mới thỏa thuận giải phóng mặt bằng được hơn 10% tổng diện tích được phê duyệt (Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm được 7,23 ha/62,98 ha, tương đương 11,4%; Công ty CP TMDV MIVI Hoà Bình được 9,8 ha/43 ha).
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng phần lớn do giá đất tại các khu vực triển khai dự án đang tăng cao, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành thỏa thuận giá với các hộ dân sở hữu đất. Tình trạng này diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện các cá nhân không phải người địa phương đến mua gom đất của các hộ dân với giá khá cao, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động thoả thuận với các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, giá đền bù đã thoả thuận thời điểm trước thấp hơn giá đền bù hiện tại khiến người dân không muốn hợp tác bàn giao mặt bằng.
Cán bộ xã nhiệt tình chỉ dẫn, giá đất rừng “tăng nóng”
Theo người dân địa phương, tình trạng người ngoài địa phương đến mua gom đất rừng sản xuất của người dân tại xã Suối Hoa đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Việc này đã trực tiếp đẩy giá đất tại địa phương tăng cao, thậm chí cả đất rừng (chưa sổ) đã tăng lên đến cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho 1 ha. Nếu diện tích đất “có sổ” thì giá còn cao hơn nhiều lần.
Trong vai người đi mua đất, phóng viên được ông Hoạt – một người dân xóm Nẻ (xã Suối Hoa) giới thiệu đến ông Hân. Ông Hân là người dân sinh sống ở Suối Hoa lâu năm và đang sở hữu hơn 2000 m2 đất, bao gồm cả thổ cư, đất rừng và đất trồng cây lâu năm. Phát giá nhanh với phóng viên, ông Hân khẳng khái báo giá tròn 2,2 tỷ đồng, không bớt. Để phóng viên hiểu thêm, ông Hân bảo: Giá như vậy là còn thấp vì gia đình đang muốn bán nhanh, còn nếu không có nhu cầu bán, giá phải cao hơn mới xem xét.
Các dự án đầu tư du lịch tại xã Suối Hoa (Tân Lạc, Hòa Bình) hầu hết đều đang ở trong “trạng thái” chậm tiến độ, hoặc triển khai cầm chừng, nguyên nhân phần lớn là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. |
Đúng như lời ông Hân nói, bởi người dắt mối cho phóng viên là ông Hoạt cũng đang có hơn 2000 m2 đất tại suối Hoa nhưng chưa có nhu cầu bán, và ông Hoạt cũng khẳng định chắc nịch rằng, nếu bán phải được giá.
Để tìm hiểu thêm về giá đất tại Suối Hoa, phóng viên gặp ông Bùi V. S. – người dân thôn Ngòi Hoa. Ông S. tự tin cho phóng viên biết rằng, ông là một trong số ít người dân tại địa phương có khả năng gom đất và làm thủ tục sang nhượng một cách nhanh chóng, thuận lợi vì có quan hệ với cán bộ xã Suối Hoa.
Ông S. cũng cho biết thêm, việc người ngoài địa phương đến mua gom đất để chờ cơ hội từ các dự án nghỉ dưỡng, sinh thái đã diễn ra nhiều năm nay. “Trước đây, người dân bán cho Công ty HS khoảng 90 triệu đồng/1 ha đất rừng. Nhưng nay, giá của một 1 ha đất rừng phải khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Giá như vậy nhưng nhiều nhà còn chưa muốn bán”, ông S. nói và cho biết, gia đình ông cũng có một diện tích đất khu vực Ngòi Hoa không sản xuất, trồng trọt gì nhưng cũng chưa muốn bán vì còn “chờ xem giá cả như thế nào”.
Bật mí cho phóng viên về quy trình gom đất “chưa có sổ”, ông S. cho biết: Việc mua bán thì làm giấy viết tay với các chủ đất, rồi nhờ cán bộ địa chính xã làm thủ tục, ông S. sẽ làm cầu nối giữa hai bên. Để tăng sự tin tưởng, ông S. cho phóng viên số điện thoại một cán bộ địa chính xã Suối Hoa để kiểm chứng.
Qua số điện thoại của ông S., phóng viên liên hệ ngay được với cán bộ địa chính xã Ngòi Hoa là ông Bùi Văn Sản. Ông Sản cho biết, nếu có nguyện vọng chỉ cần gặp ông, chỉ khu đất thực tế muốn mua thì “bàn bạc”.
Khi hỏi về việc đất rừng nếu không có giấy tờ thì mua bán, chuyển nhượng ra sao, ông Bùi Văn Sản cho biết, việc này tùy vào người mua và người dân có đất thỏa thuận. Nếu muốn ra sổ thì làm cho người dân trước, sau đó sang tên cho người mua.
Chỉ nghe nói, chưa phát hiện trường hợp cụ thể?
Xác nhận về tình trạng các dự án trên địa bàn xã đang chậm tiến độ, Chủ tịch UBND xã Suối Hoa – Bùi Văn Mùi cho biết: Hầu hết đều đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, duy nhất có dự án của Công ty HS đang triển khai có tiến độ tốt nhất nhưng hiện nay mặt bằng dự án cũng “chưa sạch” hoàn toàn.
Liên quan đến việc giá đất rừng “tăng nóng” khiến công tác giải phóng mặt bằng của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ông Bùi Văn Sản – cán bộ địa chính xã lý giải rằng: Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do người dân chưa yên tâm về vấn đề an sinh xã hội, sinh kế sau khi chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư.
Đối với tình trạng gom đất để “thổi giá”, ông Sản cho rằng, xã chưa phát hiện được trường hợp cụ thể nào mua gom đất mà chỉ “nghe nói”. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược hoàn toàn với những gì ông Sản trao đổi với phóng viên qua điện thoại trước đó.
Cần có biện pháp ngăn chặn việc đầu cơ, thổi giá đất
Nhận định về sự việc giá đất rừng tại xã Suối Hoa tăng cao, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo rằng, việc đầu cơ và thổi giá đất tạo ra nhu cầu ảo, đẩy giá đất lên cao hơn giá trị thực tế đang là một vấn nạn ở nhiều nơi. Điều này dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư, sản xuất và nhà ở, khiến người có nhu cầu thực sự gặp khó khăn.
Hình ảnh Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS |
Nếu đầu cơ và thổi giá đất diễn ra trong thời gian dài, có thể dẫn đến bong bóng bất động sản. Khi bong bóng vỡ, giá đất có thể sụt giảm mạnh, gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu cơ và nhà đầu tư. Khi giá đất cao hơn có thể làm giảm tính khả thi của các dự án phát triển mới. Các dòng tiền lớn chạy ào ào vào bất động sản, dẫn đến nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác ít hơn, cũng như làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế tại địa phương.
Đặc biệt, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc đầu cơ và thổi giá đất , dẫn đến bất bình ổn thị trường bất động sản, “lúc nóng”, “lúc lạnh”, có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản. Điều này có thể dẫn đến việc chậm phát triển và đầu tư ít hơn vào lĩnh vực này.
Một số dự án tại vùng lõi hồ Hòa Bình thuộc địa phận xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đang chậm triển khai do gặp khó khăn về giá đất tăng cao, khó thỏa thuận nhận chuyển nhượng từ các hộ dân địa phương. |
Luật sư Nguyễn Hải Yến (Công ty luật YJM, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Tình trạng đầu cơ, thổi giá, làm giá khiến giá bất động sản tăng nóng đã diễn ra từ lâu và ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các dự án đầu tư phát triển du lịch. Việc này khiến cho giá đất tại các địa phương bỗng dưng tăng vọt, không thể kiểm soát, tạo ra mặt bằng giá mới khiến cho các doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư gặp nhiều khó khăn, thậm chí là “chôn chân” vì không có mặt bằng sạch để triển khai dự án. Đó là chưa kể, việc “thổi giá” trong thời gian dài sẽ khiến bất động sản neo giá, có tăng không có giảm, tạo nên mặt bằng giá mới…khiến người có nhu cầu mua nhà, mua đất để ở, để sản xuất khó thể tiếp cận, trong khi nguồn lực lại bị bỏ hoang.
Luật sư Yến cho rằng, với tình trạng như hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng có biện pháp siết chặt quản lý về đất đai, tránh trường hợp một số cá nhân vì trục lợi mà đầu cơ, gây nhũng nhiễu thị trường. Tại các địa phương có đất rừng, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tuyên truyền vận động cũng như phổ biến quy định pháp luật liên quan đến đất rừng và khai thác tài nguyên rừng cho người dân.