Luật sư nói về việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Đến 2026 mới thông qua Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN, nếu có thì có quá muộn?
Luật sư NGUYỄN VĂN TUẤN – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) trả lời như sau:
Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Cụ thể, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật, trong khi mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay cũng được cho không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá,… nhiều ý kiến cho rằng, chờ đến 2026 mới sửa Luật là quá muộn và thiếu hợp lý.
Trong Dự thảo chưa đề cập đến việc phải tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay mà chỉ khi thực tế thay đổi mới cân nhắc. Ý kiến của ông thế nào?
Luật sư NGUYỄN VĂN TUẤN – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) trả lời như sau:
Việc các chính sách thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng đều cần phải có tính linh hoạt, tính hướng trước khi áp dụng trong thực tế. Và việc “chỉ khi thực tế thay đổi mới cân nhắc” đến việc điều chỉnh các quy phạm theo kịp xu hướng là mang tính chủ quan, không có tầm nhìn xa trong quá trình làm luật.
Thực tế cho thấy, quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế hiện hành là 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng được cho là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi họ vừa nuôi con ăn học, vừa thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện, tiền nước, các khoản chi phí phụng dưỡng cha mẹ khi hết tuổi lao động, khám chữa bệnh, thuốc men khi ốm đau, bệnh tật…Thêm nữa, 2 năm vừa qua, trong khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng, việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.
Không chỉ có vậy, trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 01 lần vào giữa năm 2020. Chính vì vậy, khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.
Để chính sách thuế thu nhập cá nhân không lạc hậu, phù hợp với thực tế phát triển, việc Sửa Luật làm sao để ko sớm lạc hậu? Thông lệ quốc tế về vấn đề này ra sao thưa ông? Làm sao để vừa thu đúng thu đủ thuế mà vẫn khoan sức dân?
Luật sư NGUYỄN VĂN TUẤN – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) trả lời như sau:
Theo Luật thuế TNCN hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Theo các chuyên gia đánh giá, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm. Điều này làm số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Vì thế, dự thảo chương trình xây dựng luật lần này đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế. Dự thảo cũng đề cập việc xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế phù hợp hơn với mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Trên thế giới pháp luật về thuế thu nhập cá nhân ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ… cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm: chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức… bởi đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng về thuế. Việc nộp thuế TNCN cũng được điều chỉnh cách tính thuế thu nhập cá nhân theo lạm phát cũng diễn ra khá phổ biến ở các nước phát triển. Điển hình như ở Mỹ, tháng 11/2021, Sở thuế của nước này (IRS) công bố hơn 60 thay đổi với khung thuế liên bang cho năm 2022. Theo đó, các ngưỡng thu nhập trong bậc thuế được nâng lên 3% so với năm trước đó để phản ánh lạm phát tháng 10/2021 (6,2%) cao nhất hơn 30 năm.
Để theo kịp xu thế chung của thế giới, để thu đúng, thu đủ các khoản thuế cần thu mà vẫn khoan sức dân thì các chính sách về thuế phải bao quát được các yếu tố như: điều kiện sống theo vùng miền; yếu tố kinh tế phát triển theo từng giai đoạn… đảm bảo thu thuế đúng đối tượng, không bỏ lọt và linh hoạt trong từng thời điểm thay đổi của nền kinh tế.
Làm thế nào với các khoản thu mới phát sinh như thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh số?
Luật sư NGUYỄN VĂN TUẤN – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) trả lời như sau:
Hiện nay, hình thức kinh doanh thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh số đang phát triển rất mạnh và sẽ là xu hướng kinh doanh của tương lai. Nhà nước ta đã có những bước quản lý dần chặt chẽ hơn và đang có hiệu quả trong hình thức kinh doanh này.
Từ năm 2018 đến nay, hoạt động thu thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, thu từ thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay lên tới 5.588 tỉ đồng. Số thu này tăng qua các năm, bình quân 3 năm (2018-2021) là 130%, riêng số thu năm 2021 tăng cao, tới 1.591 tỉ đồng, tương đương tăng 39% so với năm 2020. Đáng chú ý, trong số này, Facebook nộp 2.099 tỉ đồng, Google gần 2.115 tỉ đồng, Microsoft nộp 714 tỉ đồng…(Theo báo Tuổi trẻ).
Tuy nhiên, khó khăn trong thu thuế hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, thương mại điện tử theo Bộ Tài chính đó là xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế… Đặc thù nền kinh tế số cũng rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử cũng gặp khó khăn. Bởi, thực tế một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Giải pháp đưa ra:
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế; tăng trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng.
– Rà soát, cập nhật thông tin của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn đầy đủ chi tiết để có thể áp chế tài khi các đơn vị này không thực hiện đúng thỏa thuận như đã cam kết về thuế, phí khi tham gia sàn thương mại.
– Áp dụng hình thức thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng nhằm kiểm soát dòng tiền giao dịch. Là tiền đề cho xã hội số hóa, không sử dụng tiền mặt trong tương lai.
– Nâng cao hệ thống quản lý thuế, hạ tầng công nghệ thông tin về kê khai, nộp và thu thuế; xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, tăng thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
»BÁO CHÍ ĐƯA TIN:
Bài ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn đã được đăng tải trên Báo Kinh Tế & Đô Thị – Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội: https://kinhtedothi.vn/sua-doi-thue-tncn-luat-phai-theo-sat-voi-bien-dong-thuc-te-doi-song.html
Đội ngũ luật sư đất đai – Hãng Luật TGS LAWFIRM
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS
Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
- Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 0984.769.278
- Email: info.tgslaw@gmail.com
- Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!