Tổng hợp tình huống hình sự tháng 2/2023
Nội dung bài viết
- 1 Câu 1. Xe khách chở quá số người quy định gây tai nạn nghiêm trọng thì tài xế sẽ bị xử phạt như thế nào?
- 2 Câu 2. Cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- 3 Câu 3. Hỏi cung bị can ở địa điểm nào thì bắt buộc phải ghi âm, ghi hình? Bị can có thể tự đọc lại biên bản hỏi cung hay không?
- 4 Câu 4. Hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù cần những loại giấy tờ gì? Cơ quan nào có trách nhiệm lập hồ sơ?
- 5 Câu 5. Ai có quyền ra quyết định tạm giam bị can? Mẫu quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mới nhất?
- 6 3. Mẫu quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mới nhất?
- 7 Câu 6: Hiếp dâm làm nạn nhân có thai có thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại không?
- 8 Câu 7: Chơi chẵn lẻ momo có vi phạm pháp luật?
- 9 Câu 8.Tàng trữ trái phép vật liệu nổ có khối lượng 20kg thì có thể đối mặt với mức án cao nhất là bao nhiêu năm tù?
- 10 Câu 9: Làm và sử dụng Sổ đăng kiểm xe ô tô giả thì có bị ở tù hay không? Nếu có thì tối đa bao nhiêu năm?
- 11 Làm và sử dụng Sổ đăng kiểm xe ô tô giả thì tổng hợp hình phạt ra sao?
- 12 Câu 10. Thời hạn kháng cáo quyết định hình sự sơ thẩm là bao lâu? Kháng cáo quá hạn được chấp thuận khi nào?
Câu 1. Xe khách chở quá số người quy định gây tai nạn nghiêm trọng thì tài xế sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Hành vi xe khách chở quá số người quy định của người lái xe là hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 68 Luật giao thông đường bộ năm 2008: “Người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định sau đây: Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định”.
Theo đó, khi tài xế xe khách chở quá số người quy định gây tai nạn nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm nêu trên tài xế xe khách có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
- Về xử phạt vi phạm hành chính:
Trường hợp tài xế lái xe chở quá số người quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm như sau:
Đối với tuyến có cự ly nhỏ hơn 300km:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (bị sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
– Phạt từ 400.000 đồng – 600.000 đồng/mỗi người vượt quá nhưng tổng mức phạt tối đa 75 triệu đồng.
– Trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng
Đối với tuyến có cự ly lớn hơn 300km:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (bị sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và điểm c khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP
– Phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng/mỗi người vượt quá nhưng tổng mức phạt tối đa 75 triệu đồng.
– Trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Ngoài ra, người tài xế lái xe còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.
- Về trách nhiệm hình sự:
Hành vi chở quá số người quy định gây tai nạn nghiêm trọng nếu gây ra một trong số những hậu quả theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như làm chết người, gây thiệt hại về tài sản, gây thương tích,…. thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự. Khi đó, người tài xế lái xe khách có thể phải chịu mức hình phạt từ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm và đến mức cao nhất là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu 2. Cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm. Cho tôi hỏi cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
Trả lời:
Tại khoản 4 Điều 18 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao có quy định về trách nhiệm của Bộ Công an như sau:
“4. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; đề xuất việc ký kết các điều ước quốc tế, chủ động ký kết các thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.”
Theo đó, cơ quan có trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao là Bộ Công an.
Câu 3. Hỏi cung bị can ở địa điểm nào thì bắt buộc phải ghi âm, ghi hình? Bị can có thể tự đọc lại biên bản hỏi cung hay không?
Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề hỏi cung bị can. Cho tôi hỏi hỏi cung bị can ở địa điểm nào thì bắt buộc phải ghi âm, ghi hình? Bị can có thể tự đọc lại biên bản hỏi cung hay không?
Trả lời:
Khoản 6 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về hỏi cung bị can quy định:
“6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”
Căn cứ quy định trên của Bộ luật tố tụng hình sự, việc hỏi cũng bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác không bắt buộc phải ghi âm, ghi hình nhưng nếu bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thì phải tiến hành ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sau khi hỏi cung, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký vào bản tự khai đó. Như vậy theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, bị can có thể tự đọc lại biên bản hỏi cung.
Câu 4. Hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù cần những loại giấy tờ gì? Cơ quan nào có trách nhiệm lập hồ sơ?
Cho tôi hỏi hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù cần những loại giấy tờ gì? Cơ quan thi hành án hình sự cần phải thông báo cho thân nhân người bị kết án biết trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày tiếp nhận?
Trả lời
Căn cứ Khoản 1 Điều 26 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:
- Hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù phải có đủ các tài liệu sau đây:
- a) Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải có bản án sơ thẩm kèm theo;
- b) Quyết định thi hành án phạt tù;
- c) Quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự đưa người chấp hành ánphạt tù đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
- d) Danh bản của người chấp hành ánphạt tù;
đ) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh quốc tịch đối với người chấp hành án phạt tù là người nước ngoài;
- e) Phiếu khám sức khỏe và tài liệu khác có liên quan đến sức khỏe của người chấp hành ánphạt tù;
- g) Bản nhận xét việc chấp hành nội quy của trại tạm giam, nhà tạm giữ đối với người bị tạm giam;
- h) Tài liệu khác có liên quan.
Như vậy, hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù cần có đẩy đủ các tài liệu trên.
Cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Thi hành án hình sự 2019 bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, Cơ quan thì hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
Về thời hạn cơ quan thi hành án hình sự phải thông báo cho thân nhân người bị kết án, khoản 4 Điều 28 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định:
“4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận người chấp hành án, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, thân nhân của người chấp hành án phạt tù biết và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự.”
Căn cứ quy định trên của Luật Thi hành án hình sự, trại giam, trại tam giam, Cơ quan thị hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho thân nhân của người chấp hành án phạt tù biết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận người chấp hành án.
Câu 5. Ai có quyền ra quyết định tạm giam bị can? Mẫu quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mới nhất?
Cho tôi hỏi những người nào mới được quyền ra quyết định tạm giam bị can vậy? Bị can phạm tội gì thì được áp dụng biện pháp tạm giam? Và cho tôi xin mẫu quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mới nhất hiện nay với nhé!
Trả lời
- Những người nào được quyền ra quyết định tạm giam bị can?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì những người sau đây có quyền ra quyết định tam giam bị can:
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
- Bị can phạm tội gì thì được áp dụng biện pháp tạm giam?
Căn cứ quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can phạm tội sau:
“1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b) Tiếp tục phạm tội;
c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.”
3. Mẫu quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mới nhất?
Hiện tại, mẫu quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn xét xử sở thẩm được sử dụng theo Mẫu số 04-HS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 09 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Nhân dân tối cao.
Câu 6: Hiếp dâm làm nạn nhân có thai có thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại không?
Tôi có thắc mắc là trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân có thai, nạn nhân là người trên 18 tuổi, thì có thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại không? Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm làm nạn nhân có thai là bao nhiêu năm?
Trả lời
Tôi có thắc mắc là trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân có thai, nạn nhân là người trên 18 tuổi, thì có thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Dẫn chiếu theo khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 quy định về tội hiếp dâm như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm….”
Căn cứ theo các quy định trên thì chỉ khởi tố vụ án hình sự hiếp dâm theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 nêu trên. Nếu thuộc các khoản khác tại Điều 141 thì dù bị hại hoặc người đại diện của bị hại không có yêu cầu thì cũng khởi tố vụ án hình sự theo quy định pháp luật.
Như vậy, hiếp dâm làm nạn nhân có thai không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, tức người phạm tội vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm làm nạn nhân có thai là bao nhiêu năm?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 9 BLHS 2015 như sau: “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;”
Như vậy, tội hiếp dâm làm nạn nhân có thai thuộc tội phạm rất nghiêm trọng nên theo điểm c khoản 1 Điều 27 BLHS quy định thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm đối với tội hiếp dâm làm nạn nhân có thai.
Câu 7: Chơi chẵn lẻ momo có vi phạm pháp luật?
Trả lời
Đây là trò chơi may mắn dựa vào một số đuôi của mã giao dịch trong ví Momo khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. Người chơi có hai lựa chọn để chơi trong game Chẵn Lẻ là nhập nội dung chuyển khoản với nội dung C hoặc L tương ứng với Chẵn và Lẻ để bắt đầu tham gia cược may mắn. Nếu dự đoán chính xác với số cuối mã giao dịch Momo, người chơi sẽ nhận được tiền thưởng, nếu dự đoán sai thì sẽ mất số tiền chuyển.
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi đánh bạc trái phép:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
…
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.”
Theo quy định trên hành vi được xem là đánh bạc trái phép là người có hành vi chơi đánh bạc dưới hình thức như xóc đũa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gá, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật. Như vậy người chơi chẵn lẻ momo cũng được xem là có hành vi đánh bạc trái phép và sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng, ngoài ra đối với người tổ chức chơi chẵn lẻ momo thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời khoản 7 Điều này quy định ngoài bị phạt tiền thì người chơi, người tổ chức chơi chẵn lẻ momo hay qua ví điện tử khác còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Ví dụ: điện thoại, máy tính,…) và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Tổ chức các website chơi chẵn lẻ momo bị đi tù bao nhiêu năm?
Căn cứ theo Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội tổ chức đánh bạc theo đó người tổ chức các website chơi chẵn lẻ momo hay chơi chẵn lẻ qua bất kì ví điện tử nào khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
– Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Câu 8.Tàng trữ trái phép vật liệu nổ có khối lượng 20kg thì có thể đối mặt với mức án cao nhất là bao nhiêu năm tù?
Tàng trữ trái phép vật liệu nổ có khối lượng 20kg thì có thể đối mặt với mức án cao nhất là bao nhiêu năm tù? Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là bao lâu?
Trả lời
Khoản 2 Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 % đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.“
Căn cứ quy định trên của Bộ luật Hình sự, hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ có khối lượng 20kg có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 10 năm tù theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 305 Bộ luật Hình sự. Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015.
Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.“
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 về phân loại tội phạm, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
Mức cao nhất của khung hình phạt đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ có khối lượng 20kg là 10 năm tù. Do vậy, đây là tội phạm rất nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là 15 năm kể từ ngày tội phạm bắt đầu được thực hiện.
Câu 9: Làm và sử dụng Sổ đăng kiểm xe ô tô giả thì có bị ở tù hay không? Nếu có thì tối đa bao nhiêu năm?
Trả lời
Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được quy định như sau:
Người nào làm giảcon dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Theo đó, đối với hành vi làm giả Sổ đăng kiểm xe ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhẹ nhất thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Nặng nhất thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu có các tình tiết tại khoản 3.
Bên cạnh đó, tại khoản 4 người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Lưu ý: không áp dụng đồng thời hình phạt tiền ở khoản 1 và khoản 4).
Cũng theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 đã nêu ở trên thì:
Đối với hành vi sử dụng Sổ đăng kiểm xe ô tô giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” về khung hình phạt sẽ giống như với “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức“, sẽ có 3 khung hình phạt tương ứng với các hành vi, tình tiết, hậu quả mà tội phạm đó gây ra.
Làm và sử dụng Sổ đăng kiểm xe ô tô giả thì tổng hợp hình phạt ra sao?
Trường hợp 1: Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm cả “Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” thì theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
– Hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ.
– Hình phạt chung không được vượt quá 14 năm đối với hình phạt tù.
Trường hợp 2: Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015) như sau:
– Đang phải chấp hành một bản án của 1 trong hai tội mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định đảm bảo theo các nguyên tắc nêu tại trường hợp 1.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
– Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định đảm bảo theo các nguyên tắc nêu tại trường hợp 1.
– Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định.
Câu 10. Thời hạn kháng cáo quyết định hình sự sơ thẩm là bao lâu? Kháng cáo quá hạn được chấp thuận khi nào?
Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề kháng cáo quyết định hình sự sơ thẩm. Cho tôi hỏi thời hạn kháng cáo quyết định hình sự sơ thẩm là bao lâu? Kháng cáo quá hạn được chấp thuận khi nào?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì thời hạn kháng cáo được quy định như sau:
Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Ngày kháng cáo được xác định như sau:
a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
Như vậy, thời hạn kháng cáo quyết định hình sự sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Căn cứ quy định tại Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thì việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận như sau:
-
Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định.
-
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
-
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
-
Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.
-
Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Theo đó, việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn quy định. Và kháng cáo quá hạn sẽ được chấp nhận khi Hội đồng xét kháng cáo quá hạn do Tòa án cấp phúc thẩm thành lập ra quyết định chấp nhận kháng cáo này.
Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....
Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
- Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 0984.769.278
- Email: info.tgslaw@gmail.com
- Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!