Tổng hợp tình huống đất đai tháng 1/2023

Câu 1: Trường hợp phát hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng với quy định thì cơ quan nhà nước cần thực hiện thu hồi như thế nào?

Cho tôi hỏi trong khi kiểm tra hồ sơ cũ thì cơ quan tôi có phát hiện có cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một hộ gia đình có sai sót thông tin về mục đích sử dụng đất thì không biết cần phải tiến hành thu hồi giấy chứng nhận như thế nào? 

Trả lời:

Căn cứ tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp sau đây: “d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.

Theo thông tin bạn cung cấp thì qua quá trình kiểm tra hồ sơ cũ thì cơ quan nơi bạn làm việc phát hiện ra có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho 01 hộ gia đình có sai sót thông tin về mục đích sử dụng đất nên theo quy định nêu trên thì cơ quan bạn phải thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp đó.

Về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được thực hiện theo quy định tại Khoản 26 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 37 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định. Cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi.

Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đã thu hồi theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai năm 2013 nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai năm 2013.

Câu 2: Đi đăng ký thường trú thì có bắt buộc phải nộp giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất hay không? Thủ tục đăng ký thường trú ra sao?

Tôi đang định đi đăng ký thường trú. Cho tôi hỏi có cần mang theo giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất không?

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 23 Luật cư trú năm 2020 quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới là: “3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Theo đó, trường hợp nhà đất mà đang có tranh chấp, chưa được giải quyết theo quy định pháp luật thì không được thực hiện việc đăng ký thường trú.

Theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú năm 2020 thì một trong các tài liệu có trong hồ sơ đăng ký thường trú là: “Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP thì Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

  • Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
  • Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
  • Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
  • Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
  • Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
  • Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
  • Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
  • Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

Theo đó, nếu bạn không có một trong các giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy phép xây dựng nhà; Hợp đồng mua bán, … thì khi làm thủ tục đăng ký thường trú bạn cần phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã xác nhận về nhà ở, đất ở của bạn không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Khi thực hiện đăng ký thường trú tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bạn cần thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 22 Luật cư trú năm 2020:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Bạn nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên chúng tôi không xác định bạn đăng ký thường trú theo trường hợp nào nên tùy từng trường hợp thì hồ sơ đăng ký thường trú của bạn phải đáp ứng được theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú năm 2020.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Trả kết quả

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Câu 3: Khi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất cho người được thi hành án dân sự thì cần sự có mặt của những cơ quan nào?

Khi kê biên quyền sử dụng đất của người thi hành án mà trên đất có tài sản gắn liền với đất thì có kê biên luôn không? Quyền sử dụng đất sau khi kê biên đã có bản án từ Tòa án tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì khi giao đất cho người được thi hành án dân sự phải có mặt của các cơ quan nào? Khi cưỡng chế giao quyền sử dụng đất thì chấp hành viên có thể tháo dỡ đối với những tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án không?

Trả lời

3.1. Khi kê biên quyền sử dụng đất của người thi hành án mà trên đất có tài sản gắn liền với đất thì có kê biên luôn không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 111 Luật thi hành án dân sự năm 2008 về kê biên quyền sử dụng đất:

“2. Khi kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đất của người phải thi hành án có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất.”

Như vậy, khi kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đất của người phải thi hành án có tài sản gắn liền với đất của người khác thì chỉ thực hiện kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất.

3.2. Khi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất cho người được thi hành án dân sự thì cần sự có mặt của những cơ quan nào?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 117 Luật thi hành án dân sự năm 2008 về việc cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho người được thi hành án dân sự:

“ 1. Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án.

Khi tiến hành giao đất phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao.

…”

Như vậy, khi tiến hành giao đất phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao.

3.3. Khi cưỡng chế giao quyền sử dụng đất thì chấp hành viên có thể tháo dỡ đối với những tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án không?

Căn cứ khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao như sau:

“…

Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.

Trường hợp người có tài sản gắn liền với đất từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản, giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.

Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này;

b) Trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

…”

Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án.

Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.

Câu 4: Chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở của mình khi đáp ứng những điều kiện gì?

Tôi đang tìm hiểu về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Cho tôi hỏi, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai nằm trong dự án của mình tại tổ chức tín dụng không? Nếu được thì chủ đầu tư cần đáp ứng những điều kiện gì? Chủ đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại tổ chức tín dụng gồm những gì? 

Trả lời

4.1. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai nằm trong dự án của mình tại tổ chức tín dụng không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 Luật nhà ở năm 2014 về thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai:

1. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.”

Theo đó, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư xây dựng nhà ở đó.

Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

4.2. Chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở của mình cần đáp ứng những điều kiện gì?

Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 148 Luật Nhà ở 2014 quy định như sau:

Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

  1. Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định như sau:
  2. a) Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  3. b) Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản này, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp theo quy định tại điểm a khoản này;

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 26/2015/TT-NHNN cũng quy định về điều kiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại tổ chức tín dụng như sau:

Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại tổ chức tín dụng

Chủ đầu tư được thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt;

b) Có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Là dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Chủ đầu tư được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Không nằm trong phần dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu;

đ) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, chủ đầu tư được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định cụ thể trên.

4.3. Hồ sơ mà nhà đầu tư cần chuẩn bị khi thế chấp nhà ở hình thành trong tương lại tại tổ chức tín dụng.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 26/2015/TT-NHNN về hồ sơ thế chấp như sau:

Hồ sơ thế chấp

Hồ sơ thế chấp để vay vốn tại tổ chức tín dụng bao gồm các giấy tờ sau đây:

Đối với tài sản thế chấp là dự án đầu tư xây dựng nhà ở:

a) Hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt;

b) Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản gốc);

c) Hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Các giấy tờ khác (nếu có).

Đối với tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở:

a) Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Theo đó, đối với tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hồ sơ thế chấp gồm:

– Hồ sơ nhà ở, thiết kế kỹ thuật của nhà ở hình thành trong tương lai được phê duyệt;

– Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản gốc);

– Hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật;

– Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

– Các giấy tờ khác (nếu có).

Câu 5: Phải thực hiện xin phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nào?

Phải thực hiện xin phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nào? Cụ thể là trường hợp khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập, vậy nhà đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận khi thực hiện dự án có cần thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa (trên 10 ha) để thực hiện dự án nữa hay không?

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2013 quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như sau:

Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;

b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Như vậy, chỉ trong trường hợp dự án có sử dụng đất trồng lúa nhưng không thuộc trường hợp được Quốc hội hay Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì mới phải làm thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ thành lập phê duyệt thành lập, thì nhà đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận khi thực hiện dự án không cần thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa (trên 10 ha) để thực hiện dự án nữa.

Câu 6: Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm tự sửa chữa phần sở hữu riêng của mình đúng không? Hoạt động bảo trì nhà chung cư bao gồm các hoạt động nào?

Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm tự sửa chữa phần sở hữu riêng của mình đúng không? Hoạt động bảo trì nhà chung cư bao gồm các hoạt động nào? Nếu như phần sở hữu riêng bị hư hỏng và ảnh hưởng đến phần sở hữu chung của nhà chung cư thì ai có trách nhiệm bảo trì? 

Trả lời

6.1. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm tự sửa chữa phần sở hữu riêng của mình đúng không?

Căn cứ quy định Điều 107 Luật nhà ở năm 2014 quy định về bảo trì nhà chung cư như sau:

“Bảo trì nhà chung cư

Bảo trì nhà chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 108 của Luật này; việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 109 của Luật này.

Nội dung bảo trì, quy trình bảo trì và việc quản lý hồ sơ bảo trì nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.”

Như vậy, chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

6.2. Hoạt động bảo trì nhà chung cư gồm các hoạt động nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ xây dựng thì hoạt động bảo trì nhà chung cư bao gồm các hoạt động sau:

  • Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa định kỳ và sửa chữa lớn phần xây dựng nhà chung cư;
  • Kiểm tra, duy trì hệ thống an toàn phòng cháy, chữa cháy;
  • Thay thế các linh kiện hoặc các thiết bị sử dụng chung của tòa nhà, cụm nhà chung cư

6.3. Nếu như phần sở hữu riêng bị hư hỏng và ảnh hưởng đến phần sở hữu chung của nhà chung cư thì ai có trách nhiệm bảo trì? 

Căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng như sau:

“2. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và Quy chế này.

Trường hợp có hư hỏng phần sở hữu riêng mà ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác thì chủ sở hữu có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng đó, nếu chủ sở hữu không thực hiện sửa chữa thì đơn vị quản lý vận hành hoặc người được giao quản lý nhà chung cư được tạm ngừng hoặc đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ tạm ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sinh hoạt đối với phần sở hữu riêng này; trường hợp có hư hỏng phần sở hữu chung trong khu vực thuộc sở hữu riêng thì chủ sở hữu phần sở hữu riêng có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, đơn vị thi công sửa chữa các hư hỏng này.

…”

Như vậy, trường hợp có hư hỏng phần sở hữu riêng mà ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác thì chủ sở hữu có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng đó, nếu chủ sở hữu không thực hiện sửa chữa thì đơn vị quản lý vận hành hoặc người được giao quản lý nhà chung cư được tạm ngừng hoặc đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ tạm ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sinh hoạt đối với phần sở hữu riêng này;

Trường hợp có hư hỏng phần sở hữu chung trong khu vực thuộc sở hữu riêng thì chủ sở hữu phần sở hữu riêng có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, đơn vị thi công sửa chữa các hư hỏng này.

Câu 7: Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có được Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất?

Năm 2014 hộ dân bị thu hồi đất ở, nhưng hộ dân tự tìm đất tái định cư; đến năm 2018 hộ dân mua được 01 thửa đất nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật không sang nhượng tên được (chỉ có hợp đồng ủy quyền) đến năm 2021 lại vào dự án; nhưng nhà bị vào quy hoạch không thể sửa nhà được, hộ dân thuê nhà bên cạnh để ở. Khi thực hiện phương án đền bù thì đền bù cho chủ cũ. Vậy có căn cứ nào để bố trí hộ dân 01 ô đất không?

Trả lời

Tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện hộ gia đình, cá nhân được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:

“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp”

Như vậy, hộ gia đình, cá nhân được bồi thường khi nhà nước tiến hành thu hồi đất phải đảm bảo điều kiện người sử dụng đất có Giấy chứng nhận hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đất đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Luật Đất đai năm 2013 mà chưa được cấp thì được bồi thường. Việc xem xét điều kiện để được bồi thường đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận phải căn cứ vào điều kiện, căn cứ để được cấp GCNQSDĐ tại các Điều 100, Điều 101, Điều 102 Luật Đất đai năm 2013. Đối với tình huống trên, thửa đất bị thu hồi đã không sang nhượng tên mà chỉ có hợp đồng ủy quyền để sử dụng đất nên không đủ điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất.

Liên quan đến tái định cư cho người có đất bị thu hồi mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Điều 86 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

 “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư.”

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất trong trường hợp những người có đất ở bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở. Phần đất bị thu hồi trong trường hợp trên không được ghi nhận là đất ở của hộ dân cùng với đó căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện hộ dân là người sử dụng đất bị thu hồi nên hộ dân không đủ điều kiện để được Nhà nước bố trí, hỗ trợ tái định cư.

Câu 8: Các bên tranh chấp đất đai có bắt buộc phải có mặt tại phiên hòa giải tranh chấp đất đai hay không?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai quy định như sau:

“Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành…”

Như vậy căn cứ theo quy định trên các bên tranh chấp đất đai không bắt buộc phải có mặt tại phiên hòa giải tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, để phiên hòa giải tranh chấp đất đai được tiến hành thì các bên tranh chấp đất đai đều phải có mặt, nếu một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Câu 9: Có thể ủy quyền sử dụng đất cho một người để sử dụng và quản lý với mảnh đất đang có tranh chấp giữa các bên hay không?

Một mảnh đất của gia tộc, trong gia tộc có 6 chi cháu chắt. Khi mất người đứng tên mảnh đất không để lại di chúc bằng văn bản cho một ai cụ thể hết. Hiện giờ mảnh đất đang tranh chấp, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Vậy các chi trong gia tộc có quyền ủy quyền sử dụng đất cho một chi nào đó để sử dụng hay không?

Trả lời

Điều 168 Luật Đất đai 2013 có quy định:

Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật này.”

Như vậy, cá nhân, tổ chức chỉ có thể thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật dân sự về ủy quyền, cá nhân, tổ chức ủy quyền phải là bên có quyền hoặc nghĩa vụ mong muốn chuyển quyền, nghĩa vụ này cho một chủ thể khác thực hiện thay. Trong trường hợp nêu trên, chủ sử dụng đất đã chết do vậy có thể phát sinh 02 tình huống:

Thứ nhất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp đối với hộ gia đình người chết. Trong trường hợp này, các thành viên còn lại của hộ gia đình có quyền ủy quyền cho người khác để sử dụng và quản lý thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình người đã chết.

Thứ hai, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân người đã chết. Trong trường hợp này, do người đã chết là người duy nhất được ghi nhận quyền sử dụng đất nên các chi trong gia tộc không được ủy quyền sử dụng đất cho một chi nào đó trong gia tộc để quản lý, sử dụng trong thời gian cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết tranh chấp đối với thửa đất. Mà lúc này, tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản thỏa thuận và thống nhất cử ra một người để quản lý khối di sản thừa kế đó. Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người quản lý di sản như sau:

Điều 616. Người quản lý di sản

Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”

Trong trường hợp trên do người đã chết không để lại di chúc nên người quản lý di sản do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Trường hợp những người thừa kế chưa cử được người quản ký di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Trường hợp không xác định được người thừa kế và không có người đảng quản lý di sản thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ thể có quyền quản lý di sản.

Câu 10: Tại buổi hòa giải tranh chấp đất đai, nguyên đơn tự ý bỏ về vì không đồng tình với hướng hòa giải thì giải quyết như thế nào?

Tôi làm việc tại UBND xã. Trong thời gian qua tôi nhận được một đơn của công dân về tranh chấp ranh giới (cả hai chủ sử dụng đất điều không có GCNQSD đất). Trong lúc hòa giải nguyên đơn đã tự ý bỏ về vì không đồng tình với hướng hòa giải. Vậy tôi hỏi có những căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp đất đai trên? Các bên muốn đưa hồ sơ lên UBND huyện để giải quyết thì tôi phải làm gì?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP và khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;”

c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.”

Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 của Luật Đất đai.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

Như vậy, nếu nguyên đơn tự ý bỏ về vì không đồng tình với hướng hòa giải thì UBND xã lập biên bản hòa giải không thành.

Tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Theo đó, trường hợp của bạn không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có thể chuyển hồ sơ cho UBND huyện giải quyết sau khi có biên bản hòa giải không thành của UBND xã.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!