Vén màn bí ẩn “câu lạc bộ Tình người”: Núp bóng tâm linh để lừa đảo?

CLB Tình người hoạt động như một doanh nghiệp, trong đăng ký kinh doanh không có ngành nghề giáo dục, vậy việc CLB in giáo trình chia sẻ trí tuệ có vi phạm pháp luật không?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội

Pháp luật hiện hành không có quy định là các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề giáo dục mới được in sách. Tuy nhiên, cuốn sách này là một “xuất bản phẩm” theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật xuất bản năm 2012, theo đó: “Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây: a) Sách in; b) Sách chữ nổi; c) Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp; d) Các loại lịch; đ) Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách” để lưu hành nội bộ hoăc làm quà tặng cho vẫn được coi là hành vi xuất bản và đều phải đăng ký xuất bản và có quyết định cho xuất bản hoặc được cấp giấy phép xuất bản.” Do đó, việc xuất bản cuốn sách này phải được đăng ký xuất bản và có quyết định cho xuất bản hoặc được cấp giấy phép xuất bản theo quy định của Luật xuất bản năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong trường hợp, “xuất bản xuất bản phẩm nhưng không có xác nhận đăng ký xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh đối với từng xuất bản phẩm” sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Mức xử phạt nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm, còn đối cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi, tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm.

Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì sẽ có thể bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản” (Điều 344 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến cao nhất là 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Các tài liệu của CLB tuyên truyền nội dung mê tín dị đoan như “con người có 70 vong theo, đây là thời buổi vong lên trần rất nhiều,” khuyên con người cúng tiền để trả nợ nghiệp, vậy CLB vi phạm pháp luật như thế nào? Chế tài xử phạt cho hành vi này như thế nào?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Những nội dung tuyên truyền nêu trên của CLB là có dấu hiệu truyền bá các nội dung mê tín, dị đoan, trái quy định của pháp luật. Và trong trường hợp các cơ quan chức năng chứng minh được mục đích trục lợi thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Về chế tài hành chính: Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì các hành vi: “Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Mức phạt tiền nêu trên là mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm, còn mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi phạm nêu trên.

Về chế tài hình sự: Theo quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì “người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phạm vào “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong một buổi sinh hoạt, người đại diện CLB có phát thuốc chữa COVID-19 cho thành viên, có tuyên truyền là “khi có dấu hiệu ho, không nên đi khám, xét nghiệm, mà ở nhà dùng thuốc.” (Phóng viên có ghi âm) Điều này nguy hiểm như thế nào đối với cộng đồng và vi phạm pháp luật như thế nào ạ?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Đây là thông tin “nhảm nhí”, phản khoa học, không đúng với chính sách và quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của Đảng và Nhà nước ta. Những hành vi này là cực kỳ nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của những người dùng loại thuốc (không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng) này, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 hiện nay.

Trong trường hợp, những người dùng thuốc do CLB cung cấp mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng thì tùy vào các tình tiết cụ thể của vụ việc, cũng như yếu tố lỗi của những người đã cung cấp trái phép các loại thuốc này thì hành vi của họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh như: “Tội cố ý tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134), “Tội vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 138), “Tội vô ý làm chết người” (Điều 128), thậm chí là “Tội giết người” (Điều 123) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

CLB có bán bát hương, đồ thờ trị giá hàng trăm triệu, nhưng không có hóa đơn VAT mà chỉ có phiếu thu. Vậy hành vi này có vi phạm quy định tài chính không ạ? Vi phạm như thế nào và sẽ có khả năng bị xử lý như thế nào?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo quy định của pháp luật, nếu CLB bán bát hương, đồ thờ có giá trị hàng trăm triệu đồng thì phải có hóa đơn, cũng như chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Nếu CLB là người trực tiếp bán hàng mà chỉ viết phiếu thu và không có hóa đơn là trái quy định của pháp luật.

Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, tại Khoản 5 Điều 24 có quy định: Hành vi “không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định” sẽ có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc lập hóa đơn theo quy định.

Nếu hành vi không xuất hóa đơn là nhằm mục đích trốn thuế, thì người vi phạm còn bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt thấp nhất là 01 lần và cao nhất là 03 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận. Người vi phạm cũng phải chịu hình phạt bổ sung là: Buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách Nhà nước.

Trong trường hợp nghiêm trọng thì hành vi trốn thuế nêu trên có thể bị xử lý hình sự về “Tội trốn thuế” theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 (Câu này nên bỏ vì theo thông tin phản ánh trên báo chí khi mua các đồ thờ thì CLB này không phải là người bán hàng mà chỉ là người mua hộ, trả hộ, và theo hình ảnh trên báo là cũng có hóa đơn)

Tài liệu của CLB có bìa sử dụng hình ảnh bìa kim sách, bảo vật Triều Nguyễn. Điều này phóng viên đã được chuyên gia xác nhận. Vậy em xin hỏi luật sư việc tác giả sử dụng bìa kim sách như vậy có vi phạm pháp luật không? Nhà xuất bản Hồng Đức có phải chịu trách nhiệm như thế nào về bìa sách như vậy và nội dung mê tín dị đoan như em đã đề cập ở trên?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Việc bìa sách của CLB có sử dụng hình ảnh bìa kim sách (bảo vật Triều nguyễn) là không vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu nội dung cuốn sách này có chứa đựng các nội dung mê tín dị đoan thì trách nhiệm của nhà xuất bản rất lớn. Bởi vì, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012 đã nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung: “….. truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi xuất bản xuất bản phẩm có nội dung: “Dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đối với từng tên xuất bản phẩm” sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Mức xử phạt nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thu hồi, tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng trả lời Báo in (Báo giấy) của Báo Đại Đoàn Kết (Cơ quan Ngôn luận của Trương Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam) số 90, phát hành ngày: 31/3/2021

Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản” (Điều 344 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bỏ sung năm 2017), với loại và mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến cao nhất là 05 năm.  Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hiện nay nhiều người đã có đơn thư gửi báo chí và công an trình bày rằng mình đã nộp vào CLB rất nhiều tiền (lên đến hàng tỷ đồng) để cúng dường, làm từ thiện, mua đồ thờ,… nhưng đều không có hóa đơn, chỉ có phiếu thu. Riêng tiền làm từ thiện, cúng dường, giải nghiệp thì không còn bằng chứng vì CLB thu tiền mà không kê khai chứng từ. Vậy những người này có cơ sở gì để tố cáo CLB lợi dụng tâm linh, lòng tin để lừa đảo không ạ?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Việc một số khoản thu không có hóa đơn, chứng từ là sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các thành viên trong việc chứng minh các khoản tiền đã nộp cho CLB, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, làm sáng tỏ toàn bộ sự thật khách quan của vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Việc chứng minh các khoản thu chi của CLB sẽ dựa trên cơ sở sự đánh giá khách quan và toàn diện tất cả các chứng cứ, tài liệu có liên quan như: Lời khai của những người có liên quan, người làm chứng, tài liệu, sổ sách của CLB.v.v.. Do đó, dù không có các tài liệu, chứng từ chứng minh thì những thành viên vẫn cần phải trình bày trung thực, cung cấp cho Cơ quan điều tra các thông tin khách quan và đầy đủ nhất về vụ việc nói chung, cũng như các khoản thu – chi của CLB nói riêng. Từ đó, Cơ quan điều tra sẽ xác định được các phương hướng và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra phù hợp, để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên theo quy định của pháp luật. 

Theo luật sư thì những người bị hại đã từng nộp nhiều tiền vào CLB mà không được biết mục đích sử dụng và thu chi rõ ràng, thì cần phải làm gì để tố cáo CLB lợi dụng lòng tin để lừa tiền của họ?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Nếu các thành viên cho rằng mình đã bị CLB lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì họ cần làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan Cảnh sát điều tra, và trình bày chính xác, đầy đủ về các tình tiết của vụ việc, cũng như cung cấp cho Cơ quan điều tra các tài liệu, chứng cứ liên quan mà họ hiện đang lưu giữ. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra và các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ điều tra, xác minh về vụ việc, xử lý trách nhiệm pháp lý của những cá nhân, tổ chức có liên quan, cũng như có những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên theo quy định của pháp luật.

Những người tham gia CLB, có nhiều người có học thức, giữ chức vụ quan trọng trong xã hội, nhưng họ đều tin theo bởi CLB tuyên truyền 2 vấn đề là tâm linh và từ thiện. Anh đánh giá ra sao về hoạt động của CLB này, có tác động tiêu cực như thế nào đến xã hội? Cá nhân anh có lời khuyên gì với mọi người trước những mánh khóe lừa đảo núp bóng tâm linh, từ thiện như thế này?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Nếu các thông tin báo chí đưa tin và ý kiến phản ánh của các thành viên là chính xác thì có thể nói hoạt động của CLB đã có dấu hiệu của việc lợi dụng các tư tưởng “mê tín dị đoan”, “bóp méo” các triết lý tôn giáo, quan điểm tín ngưỡng chính thống, để trục lợi, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây không phải là vấn đề mới mà những hiện tượng tiêu cực này vẫn đang diễn ra khá phổ biến, với các thủ đoạn, “chiêu trò” ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, khiến nhiều người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Niềm tin vào các tư tưởng, quan điểm và triết lý tôn giáo hay tín ngưỡng chính thống không phải là xấu mà chúng có những giá trị to lớn và cao đẹp, giúp con người hướng đến những điều nhân văn và cao đẹp trong cuộc sống, cũng như duy trì các tuyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, niềm tin đó chỉ sáng suốt và thông tuệ khi dựa trên một sự hiểu biết đầy đủ và những nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng và tôn giáo. Chính những sự hiểu biết không đầy đủ, những nhận thức “lệch lạc” về các tư tưởng, triết lý tín ngưỡng và tôn giáo là căn nguyên khiến nhiều người trở nên “u mê”, rơi vào mê tín dị đoan, và bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.

Do đó, mọi người cần hết sức tỉnh táo, phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ và đúng đắn về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; không tin vào các quan điểm sai lệch, mê tín dị đoan, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, không trở thành nạn nhân của các “chiêu trò” lừa đảo đang ngày càng tinh vi như hiện nay. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, để có thể ngăn trặn và xử lý triệt để, hiệu quả hơn vấn nạn này.

Ý kiến của Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS đã được đăng tải trên Báo Đại Đoàn Kết (Cơ quan Ngôn luận của Trương Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam):

http://daidoanket.vn/cong-ty-tnhh-phat-trien-tri-tue-cong-dong-dieu-hanh-quan-ly-hoat-dong-cua-clb-tinh-nguoi-la-khong-dung-quy-dinh-cua-phap-luat-557755.html

call-to-like

Đội ngũ luật sư bào chữa – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!