Làm rõ bất cập trong cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam
Việc cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã bắt đầu từ năm 2014, kể từ khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký quyết định về việc cổ phần hóa và thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Phim truyện Việt Nam ngày 31/3/2014.
Đến 2017, Chủ đầu tư là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) hoàn tất quá trình mua lại.) VIVASO nắm giữ 65% vốn, 28% do nhà nước nắm giữ, hơn 5% do các nghệ sỹ mua cổ phần.
Sau hơn 6 năm (từ 2017 đến nay), các nghệ sỹ và những ông chủ VIVASO liên tục lời qua tiếng lại. Các nghệ sỹ liên tục làm đơn thư tố cáo VIVASO vi phạm hợp đồng vì không trả lương, đột ngột dừng đóng bảo hiểm cho nhân viên. Đồng thời các nghệ sỹ cũng bất bình với việc hãng phim được định giá bằng 0, cơ sở vật chất bị cho thuê làm hàng ăn, quán cafe trái phép… trong khi đã có bề dày hơn 60 năm lịch sử.
Đến 2018, Thanh tra chính phủ có kết luận yêu cầu VIVASO thoái vốn, bán lại cổ phần cho nhà nước, thu hồi các cơ sở nhà/đất… nhưng đến 2023 chưa hoàn thiện. Báo chí liên tục vào cuộc, cơ quan nhà nước ra văn bản trả lời nhưng chưa việc nào được giải quyết triệt để, (có lẽ do không có chỉ đạo cụ thể về thời hạn thực hiện?)
Đầu 2023, nguyên PGĐ hãng phim đạo diễn Thanh Vân phát hiện ra kho phim nhựa đã mốc hỏng hoàn toàn và loan tin trên MXH. Báo chí lại cấp tập vào cuộc. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành liên quan phải có báo cáo giải pháp trước 23/3. Đây là lần đầu tiên các văn bản chỉ đạo về vụ việc có hạn mốc cụ thể, phần nào tạo ra nhiều hy vọng cho các nghệ sỹ.
VFS được coi là “cái nôi” của điện ảnh cách mạng Việt Nam với loạt phim như “Chung một dòng sông,” “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm,” “Em bé Hà Nội,” “Chị Tư Hậu”… Trước cổ phần hóa, VFS từng có quyền sử dụng hàng chục ngàn mét vuông đất ở nhiều vị trí “vàng”: (Hà Nội) 5000m2 ở số 4 Thụy Khuê, gần 1.000m2 ở Hoàng Hoa Thám, hơn 6.000m2 ở Cổ Loa (Đông Anh); (TPHCM) nhà 4 tầng 74m2 ở số 6 Thái Văn Lung (quận 1).
Với những chỉ đạo từ phía cơ quan quản lý và tiến trình thực hiện, ông có đánh giá tổng quan như thế nào về vụ việc? Đâu được coi là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng trì hoãn kéo dài như hiện nay?
Ý kiến của Luật sư Đặng Phương Chi Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Hiện nay, liên quan đến vụ “lùm xùm” cổ phần hóa giữa Hãng phim truyện Viêt Nam và nhà đầu tư công ty Vận tải thủy đang còn nhiều vướng mắc. Cụ thể,các nghệ sĩ cho biết tới thời điểm này, tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của Hãng đang ngày càng trở nên cực kỳ bi đát. Theo đó, toàn bộ nghệ sĩ khối nghệ thuật và cán bộ công nhân viên khối kỹ thuật – những thành viên nòng cốt của Hãng đã bị cắt lương và bảo hiểm xã hội từ hơn 1 năm nay và gần đây, đến hết ngày 30-6-2019 thì bị cắt nốt chế độ bảo hiểm y tế. Hiện tại số lượng cán bộ, nghệ sĩ đang công tác tại Hãng còn khoảng 50 người (bằng một nửa trước khi cổ phần hóa)cán bộ công nhân viên Hãng, lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam – đại diện Vivaso cho biết đã từng ban hành quy định về việc thực hiện chấm công bằng dấu vân tay từ ngày 11-10-2017. Do vậy, những người không đến làm việc, không có bảng chấm công sẽ không có cơ sở để trả lương. Căn cứ vào bảng chấm công này, công ty sẽ đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định hiện hành – tức là không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong tháng có số ngày làm việc và hưởng tiền lương ít hơn 14 ngày.
Nguyên nhẫn dẫn đến tình trạng trì hoãn kéo dài như hiện nay.
Ý kiến của Luật sư Đặng Phương Chi Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Thứ nhất, Ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cũng như quá trình hoạt động trước khi cổ phần hóa không hiệu quả, căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện không thuộc đối tượng nhà nước đầu tư. Vì vậy, Nhà nước không có nguồn ngân sách để nhận lại tỉ lệ sở hữu vốn của VIVASO.
Thực tế, hiện nay VIVASO cũng chưa tìm được đói tác khác có năng lực về tài chính cũng như chuyên môn muốn mua lại phần sở hữu này. (cũng có thể xét đến trường hợp VIVASO và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa thực sự tích cực trong việc tìm đối tác mua lại phần sở hữu vốn này)
Vấn đề thứ 2, vì Bộ VHTT&DL không đưa ra bất cứ một thông tin cụ thể nào về thời hạn để Vivaso thoái vốn rút khỏi vai trò nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành có báo cáo giải pháp trước ngày 23/3/2023. Đây là chỉ đạo quyết liệt để các bộ ngành có thẩm quyển phải tìm biến pháp để việc thoái vốn của VIVASO thành công. Việc thoải vốn bị trì hoãn kéo dài một phần cũng vì VIVASO không có chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh, dẫn đến việc đầu tư cho sản xuất phim không được chú trọng, minh chứng thực tế từ năm 2017 đến nay không sản xuất được bộ phim nào, dẫn đến tình trạng đơn vụ này liên tục cắt lương, bảo hiểm khiến đời sống nghệ sĩ, cán bộ tại Hãng phim hiện nay rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Với tình trạng thoái vốn đã kéo dài suốt nhiều năm chưa chấm dứt khiến dư luận xôn xao, người lao động hay chính là các nghệ sỹ bất bình, xin ông cho đề xuất giải pháp giúp các bên đẩy nhanh tiến độ.
Ý kiến của Luật sư Đặng Phương Chi Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Cổ phần hóa đúng là việc làm cần thiết giữa lúc Hãng đang ở tình trạng lẹt đẹt nhiều năm rồi. Chỉ có điều, ai cũng nhận ra, nhà đầu tư chiến lược có tiền thôi chưa đủ, mà dứt khoát phải là người hiểu và yêu điện ảnh. Đơn giản như người “cầm cờ” của Hãng thì phải biết nghệ sĩ này là ai, trong nước hay quốc tế, giống như một bộ phim muốn hay thì phải có đạo diễn giỏi, diễn viên, hay, kịch bản tốt mới được. Nếu thiếu một trong những yếu tố này thì e hơi khó “cầm trịch”. Thời điểm trước khi cổ phần hóa, Hãng có tới vài trăm người vẫn sống bình thường, giờ mấy chuc người mà xoay sở chật vật. Điều đó khiến mô hình cổ phần hóa hãng phim truyện đem lại kết quả không như mong muốn. Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp khi cổ phần hóa Hãng là vô cùng quan trọng. Quan trọng nhất, tôi nghĩ tới đây Nhà nước càng cần có cơ chế quan tâm, sao sát để quá trình thực hiện thoái vốn của VIVASO thành công tìm được nhà đầu tư chiến lược thực sự có năng lực và cả tâm huyết phát triển điện ảnh nước nhà.
Ngoài ra, trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ VHTTDL cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại kết luận Thanh tra cũng như thực hiện những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, với mong muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Từ kiến nghị của các nghệ sỹ, hãng phim cần được định giá theo phương pháp khác cách định giá theo Bộ luật Dân sự. Ông có cho rằng với trường hợp đặc thù như của Hãng phim thì nên có cách định giá khác không? Nếu có thì như thế nào? Trước đây có tiền lệ nào có thể tham khảo cho trường hợp này không, thưa ông?
Ý kiến của Luật sư Đặng Phương Chi Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Việc cổ phần hoá VFS vướng phải nhiều lùm xùm khi thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0 đồng. Thực tế này khiến nhiều nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu rất bức xúc và từ năm ngoái đã cùng ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hoá đối với VFS. Quá trình định giá cổ phẩn hóa có hai yếu tố được nhiều nghệ sỹ điện ảnh cũng như báo chí cho là chưa phù hợp.
Thứ nhất, về lợi thế đất đai rõ ràng hãng phim được nhà nước cho thuê đất ở rất nhiều vị trí đẹp, có đóng thuế sử dụng nhiều năm nay. Thế mà lại tính Hãng không có ưu thế về mặt đất đai, mặt bằng, địa điểm là sai. Ngoài ra Hãng còn sở hữu tài sản một số ngành khác không thể hiểu được: Kho đạo cụ có giá trị bởi trong quá trình làm phim họ phục chế, mua sắm đồ từ thời phong kiến, chống Pháp-Mỹ. Chẳng hạn bi đông, thắt lưng của lính Mỹ đều có thể quy thành tiền. Thực tế, với quy định hiện tại, 4 mảnh đất hãng phim đang sử dụng là của Nhà nước cho thuê và hàng năm phải nộp tiền thuê. Vì thế, theo quy định tại Điều 29, Điều 14 Nghị định 51/2011/NĐ-CP thì khi cổ phần hóa những tài sản đó sẽ không được đưa vào làm giá trị tài sản.
Thứ hai, về việc xác định thương hiệu, Hãng có những tác phẩm tham gia liên hoan phim quốc tế lớn như Nga, Đức, Ấn Độ, Tiệp Khắc, Pháp và có nhiều giải thưởng quốc tế. Nếu chỉ xét trong 5 năm gần đây là chưa phù hợp với truyền thống của đơn vị – hãng tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với hơn 60 năm hoạt động với bề dày về điện ảnh, được chứng minh bằng nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển. Khoản 7 Điều 18 Thông tư số 127/2014/TT-BTC quy định giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực thế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tọa nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền,… Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây VFS không có các chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên,… nên công ty không đưa được ra những chi phí cụ thể cho việc tạo dựng thương hiệu.
Xét dưới góc độ pháp luật, việc định giá trên là theo đúng trình tự và quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 127/1014/TT-BTC. Nhưng xét về tính giá trị văn hóa- lịch sử với bề dày hoạt động hơn 60 năm cùng những tác phẩm có tên tuổi trong nền điện ảnh nước nhà cũng như quốc tế thì việc định giá VFS với giá trị 0 đồng cần được xem xét lại. Vì vậy, Luật sư đồng ý với phương pháp định giá của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, các đơn vị đang nghiên cứu phương án theo chỉ đạo xác định giá trị thương hiệu bằng bề dày, truyền thống của hãng, để xác định giá trị VFS.
Về phương pháp định giá này thì hiện nay khung pháp lý không có quy định nào về xác định giá tị tài sản dựa trên yếu tố lịch sử, truyền thống. Bộ có thể xem xét tham khảo và nghiên cứu thêm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC, theo đó một trong các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến giá trị của nhã hiệu, tên thương mại là “thời gian và phạm vi sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh”. Cách xác định tác động của yếu tố này trong giá trị nhãn hiệu vẫn phải theo các quy định pháp luật về định giá
Trước tình trạng người lao động tố là bị cắt bảo hiểm, nhiều năm không được làm việc dưới danh nghĩa Hãng phim truyện Việt Nam, hơn 300 bộ phim nhựa đã hỏng hoàn toàn… và có yêu cầu được bù đắp tổn thất, ông có ý kiến/đề xuất gì đối với yêu cầu này?
Ý kiến của Luật sư Đặng Phương Chi Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Theo Luật sư, việc công ty tự ý cắt, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi không thuộc trường hợp được phép tạm dừng như quy định trên thì được xem là không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, căn cứ tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định rõ về mức phạt đối với người sử dụng lao động:
“Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Ngoài ra, khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”. Như vậy, với trường hợp của Hãng phim là chấm công bằng vân tay thì rất dễ để xác định được ngày người lao động đi làm trong một tháng, theo đó nếu người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Theo đó, nếu vi phạm thuộc về phía người lao động thì việc hãng phim tự cắt BHXH, tạm dừng đóng BHXH là hợp lý và không bị xử phạt.
Về vấn đề 300 bộ phim nhựa hỏng hoàn toàn, Theo Luật sư khoản 5 Điều 16 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là “Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.” Mức phạt cho hành vi này được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định”
Trường hợp gần 300 bản phim nhựa đang được lưu trữ tại đây đã bị mốc meo, trở thành những đống nhựa bết dính và không còn khả năng sử dụng. Nguyên nhân ban đầu theo nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam là bởi hệ thống máy lạnh tại kho lưu trữ phim của Hãng đã bị hỏng hàng tháng nay. Như vậy, VIVASO đã không làm đúng trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, không định kỳ kiểm tra hệ thống máy lạnh tại kho trong nhiều tháng dẫn tới tình trạng hư hỏng của hơn 300 bản phim. Hành vi đó theo quy định có thể bị phạt tiền lên đến 25.000.000 đồng. Về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, nếu trong quá trình điều tra xác minh phát hiện lỗi làm thiệt hại hư hỏng cụ thể thuộc về ai thì người đó sẽ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Khi quá trình thoái vốn đã hoàn tất, theo ông, hãng phim truyện Việt Nam nên có hướng đi như thế nào để tồn tại, tiếp tục gìn giữ được di sản về tinh thần và truyền thống của mình?
Ý kiến của Luật sư Đặng Phương Chi Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Theo Luật sư, cách thoái vốn hiệu quả nhất là, VIVASO tìm được bên mua và bên mua là bên có năng lực tài chính, năng lực chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh, có tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà để bán một phần hoặc bán hết cổ phần của VIVASO. Để hiệu quả có thể cấu trúc thành hai công ty là công ty quản lý cho thuê bất động sản và công ty phim. Khi đó, công ty VFS có thể bán công ty bất động sản cho bên mua có chuyên môn về cho thuê bất động sản, và bán công ty phim cho một nhà đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh đang cần đến bề dày lịch sử cũng như danh tiếng của hãng phim, để xây dựng phát triển nền điện ảnh Việt Nam xứng đáng với tầm vóc, vị thế đã có trong quá khứ.
Đội ngũ luật sư đất đai – Hãng Luật TGS LAWFIRM
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS
Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS
Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
- Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 0984.769.278
- Email: info.tgslaw@gmail.com
- Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!