Tổng hợp tình huống hình sự tháng 09/2022

Câu 1: Áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh tại ngoại thì có thể ra khỏi nơi cư trú không? Nộp tiền để được tại ngoại có được trả lại không?

1. Được bảo lĩnh tại ngoại thì có được ra khỏi nơi cư trú không?

Khoản 1 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc bảo lĩnh: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.” Theo đó, biện pháp ngăn chặn này không hạn chế việc đi lại của người được bảo lĩnh. Tuy nhiên bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Như vậy, bị can, bị cáo được tại ngoại do áp dụng biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh vẫn có thể rời khỏi nơi cư trú tuy nhiên phải đảm bảo có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp không thực hiện được cam kết này, người được bảo lĩnh sẽ bị tạm giam. Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

2. Nộp tiền để được tại ngoại có được trả lại không?

Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự về biện pháp đặt tiền để đảm bảo Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm. Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: “Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước”. Theo đó, trường hợp bị can, bị cáo vi phạm những nghĩa vụ cam kết khi được tại ngoại thì sẽ bị tạm giam, đồng thời bị tịch thu số tiền đã đặt. Nội dung này được hướng dẫn thực hiện tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định tiền đã đặt để bảo đảm bị tịch thu nộp vào ngân sách Nhà nước khi rơi vào hai trường hợp: Bị can, bị cáo bị bắt tạm giam về tội đã phạm trước khi áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm hoặc tiếp tục phạm tội và trường hợp Bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Như vậy, về nguyên tắc khoản tiền đặt để bảo đảm này sẽ được trả lại việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Tuy nhiên, khi rơi vào các trường hợp nêu trên, khoản tiền này sẽ không được trả lại mà nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Câu 2: Thời hạn hoãn phiên tòa tối đa là bao lâu? Nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm thì có phải tạm hoãn phiên tòa hay không?

1. Nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm thì có phải tạm hoãn phiên tòa hay không?

Theo quy định tại Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự về sự có mặt của người làm chứng thì người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án. Chủ toạ phiên tòa công bố lời khai đó. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án. Trường hợp Người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

Tại khoản 8 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng thì người làm chứng phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án dân sự thì sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể để quyết định có tiếp tục hay sẽ tạm hoãn phiên tòa. Cụ thể: “Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án thì Hội đồng xét xử vẫn sẽ tiến hành phiên tòa; Trường hợp nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa mà gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định hoãn phiên tòa”.

2. Thời hạn hoãn phiên tòa tối đa là bao lâu theo quy định hiện nay?

Tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn hoãn phiên tòa như sau: “Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa”. Theo đó, thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Câu 3: Người bị áp giải có hành vi chống đối thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải làm gì? Người bị áp giải bỏ trốn thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải xử lý như thế nào? Người bị áp giải bị phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải làm gì?

  1. Người bị áp giải có hành vi chống đối

Tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Trường hợp người bị áp giải có hành vi chống đối; người bị áp giải là người chưa thành niên có hành vi chửi bới, lăng mạ nhưng không tấn công bằng vũ lực thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích quy định của pháp luật, yêu cầu họ chấp hành quyết định; trường hợp người bị áp giải có hành vi tấn công bằng vũ lực, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải có quyền sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để khống chế vô hiệu hóa hành vi chống đối của người bị áp giải”. Theo đó, khi người bị áp giải có hành vi chống đối thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích quy định của pháp luật, yêu cầu họ chấp hành quyết định. Trong trường hợp người bị áp giải có hành vi tấn công bằng vũ lực, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải có quyền sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để khống chế vô hiệu hóa hành vi chống đối của người bị áp giải.

  1. Người bị áp giải bỏ trốn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 142/2021/NĐ-CP thì trường hợp người vi phạm bị áp giải bỏ trốn thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải yêu cầu những người có mặt phối hợp bắt giữ; trường hợp không bắt giữ ngay được đối tượng thì phải kịp thời báo cáo cho thủ trưởng đơn vị và liên hệ với chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có phương án truy tìm người vi phạm bỏ trốn; đồng thời, lập biên bản về việc người bị áp giải bỏ trốn, có chữ ký của người chứng kiến; nếu không có người chứng kiến phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Như vậy, trong trường hợp người vi phạm bị áp giải bỏ trốn thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải yêu cầu những người có mặt phối hợp bắt giữ. Trường hợp không bắt giữ ngay được đối tượng thì phải kịp thời báo cáo cho thủ trưởng đơn vị và liên hệ với chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có phương án truy tìm người vi phạm bỏ trốn. đồng thời, lập biên bản về việc người bị áp giải bỏ trốn, có chữ ký của người chứng kiến, nếu không có người chứng kiến phải ghi rõ lý do vào biên bản.

  1. Người bị áp giải bị phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời

Trường hợp người bị áp giải bị phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải nhanh chóng đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Việc áp giải hoặc đưa lên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để tiếp tục chữa trị phải có xác nhận bằng văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng sức khỏe của người bị áp giải và người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải báo cáo ngay cho chỉ huy trực tiếp biết. Trong thời gian cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải có kế hoạch tổ chức canh giữ, giám sát chặt chẽ người vi phạm, không để trốn hoặc tự do tiếp xúc với người khác theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 142/2021/NĐ-CP.

Như vậy, trong trường hợp người bị áp giải bị phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải nhanh chóng đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Việc áp giải hoặc đưa lên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để tiếp tục chữa trị phải có xác nhận bằng văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng sức khỏe của người bị áp giải và người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải báo cáo ngay cho chỉ huy trực tiếp biết.

Câu 4: Việc hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện khi nào? Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính được lập thành bao nhiêu bản? Nội dung quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ghi rõ các nội dung gì? Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính có cần phải ghi vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính không?

  1. Việc hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện khi nào?

Việc hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 142/2021/NĐ-CP khi:Hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính; Người bị tạm giữ bị bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 142/2021/NĐ-CP; Có căn cứ cho rằng hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ hành chính theo thủ tục hành chính có dấu hiệu của tội phạm; Có căn cứ để tạm giữ người theo thủ tục hành chính đã chấm dứt nhưng chưa hết thời hạn tạm giữ ghi trong quyết định tạm giữ.

  1. Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính được lập thành bao nhiêu bản?

Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ra quyết định hủy bỏ áp dụng việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người bị tạm giữ. Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính được lập thành hai bản, một bản giao cho người bị tạm giữ, một bản lưu hồ sơ.” Như vậy, quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính sẽ được lập thành hai bản, một bản giao cho người bị tạm giữ, một bản lưu hồ sơ theo quy định của pháp luật.

  1. Nội dung quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ghi rõ các nội dung gì?

Nội dung quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 142/2021/NĐ-CP, thì phải ghi rõ các nội dung sau:

  • Số quyết định; địa danh, giờ, phút, ngày, tháng, năm ra quyết định;
  • Họ, tên, cấp bậc (nếu có ), chức vụ, cơ quan, đơn vị của người ra quyết định;
  • Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định; điều, khoản văn bản pháp luật được áp dụng;
  • Lý do hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người;
  • Họ tên, ngày, tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký thường trú (hoặc tạm trú), nghề nghiệp, nơi công tác, học tập, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân) của người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ;
  • Họ tên cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị tạm giữ là người chưa thành niên;
  • Quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài);
  • Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về việc ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ và việc thực hiện biện pháp này theo quy định của pháp luật;
  • Họ tên, chữ ký của người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ.
  1. Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính có cần phải ghi vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính không?

Tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định: Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được ghi vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính và có chữ ký xác nhận của người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ. Trường hợp người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ từ chối ký xác nhận thì người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải lập biên bản hoặc phân công cho người đang trực tiếp thi hành nhiệm vụ tạm giữ người theo thủ tục hành chính lập biên bản và ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến (nếu có), người lập biên bản và người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính.” Như vậy, quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được ghi vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính và có chữ ký xác nhận của người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ.

Câu 5: Những việc mà Điều tra viên không được làm là gì? Có bằng cử nhân luật có thể trở thành Điều tra viên được không? tiêu chuẩn chung của Điều tra viên là gì? Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Điều tra viên? 05 việc mà Điều tra viên không được làm là gì?

  1. Những việc mà Điều tra viên không được làm là gì?

Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự trong các vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. Những việc Điều tra viên không được làm được quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 bao gồm:

  • Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
  • Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
  • Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
  • Đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
  • Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
  1. Có bằng cử nhân luật có thể trở thành Điều tra viên được không?

Theo Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về tiêu chuẩn chung để được bổ nhiệm Điều tra viên thì phải đủ các điều kiện sau:

  • Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
  • Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.
  • Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015
  • Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra.
  • Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Câu 6: Trong thi hành án dân sự, quyền kiến nghị kết luận nội dung tố cáo của người bị tố cáo được quy định như thế nào? Và việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện khi có các căn cứ nào?

Tại Điều 23 Thông tư 13/2021/TT – BTP Quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, quy định về xử lý kiến nghị của người bị tố cáo thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận nội dung tố cáo, nếu người bị tố cáo không đồng ý thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo và giải quyết như sau:

  • Trường hợp việc giải quyết tố cáo đã đúng quy định của pháp luật thì cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo có văn bản trả lời, yêu cầu người bị tố cáo nghiêm túc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.
  • Trường hợp phát hiện có tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của người đã giải quyết tố cáo thì tiến hành giải quyết lại hoặc chỉ đạo giải quyết lại. Trình tự, thủ tục giải quyết lại tố cáo được thực hiện theo quy định của Thông tư này và pháp luật về tố cáo có liên quan.”

Như vậy, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận nội dung tố cáo, nếu người bị tố cáo không đồng ý thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo: Trường hợp việc giải quyết tố cáo đã đúng quy định của pháp luật thì cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo có văn bản trả lời, yêu cầu người bị tố cáo nghiêm túc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.Còn trường hợp phát hiện có tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của người đã giải quyết tố cáo thì tiến hành giải quyết lại hoặc chỉ đạo giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện khi có các căn cứ tại khoản 3 Điều 37 Luật tố cáo 2018 khi kết quả xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan; Bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo; Áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo.

Câu 7:  Buồng hạnh phúc ở trại giam là gì? Điều kiện để phạm nhân được gặp vợ, chồng ở buồng hạnh phúc là gì?

Buồng hạnh phúc ở trại giam là phòng riêng thường dành cho các phạm nhân cải tạo tốt có cơ hội được gặp riêng vợ/chồng mình trong vòng 24 giờ đồng hồ. Điều kiện để thăm gặp phạm nhân ở buồng hạnh phúc như sau:

1. Với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp:

+ Có ít nhất hai quý liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 03 giờ;

+ Có ít nhất bốn quý liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng từ trên 03 giờ đến không quá 24 giờ;

2. Về phía người vợ/chồng của phạm nhân

Thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân có đủ điều kiện gặp phạm nhân tại phòng riêng thì phải có giấy đăng ký kết hôn. Trước khi thăm gặp phải kê khai đồ dùng, tư trang cá nhân để thực hiện thủ tục kiểm duyệt, phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, cam kết thực hiện, chấp hành quy định về pháp luật dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành. Đặc biệt, đối với phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để đảm bảo thời gian chấp hành án phạt tù.

Đối với trường hợp gặp ở phòng riêng thì chỉ được mang theo quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, nước uống, dụng cụ tránh thai và phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đối với trường hợp gặp vợ hoặc chồng.

Câu 8: Hòa giải viên thương mại có cần phải thông báo cho các bên biết thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải hay không? Có bắt buộc hòa giải viên thương mại phải thông báo cho các bên biết thù lao và chi phí phải trả trước khi tiến hành hòa giải không? Nếu có mà hòa giải viên không thực hiện thì như thế nào? 

  1. Có bắt buộc hòa giải viên thương mại phải thông báo cho các bên biết thù lao và chi phí phải trả trước khi tiến hành hòa giải không? Nếu có mà hòa giải viên không thực hiện thì như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì Hòa giải viên có các nghĩa vụ:

  • Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;
  • Tôn trọng thỏa thuậncủa các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
  • Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợpcác bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
  • Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;
  • Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.

Theo đó, hoạt động thông báo cho các bên biết thù lao và chi phí phải trả là một trong các nghĩa vụ bắt buộc hòa giải viên phải thực hiện trước khi tiến hành hòa giải. Việc thông báo cho các bên biết thù lao và chi phí phải trả là một trong các nghĩa vụ bắt buộc hòa giải viên phải thực hiện trước khi tiến hành hòa giải nên pháp luật quy định chế tài đối với hành vi vi phạm của hòa giải viên.

Theo Điều 30 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt  tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải. Và phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hoà giải, trừ trường hợp các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
  • Nhận, đòi hỏi tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận;
  • Hoạt động hòa giải thương mại mà không đủ tiêu chuẩn làm hòa giải viên thương mại;
  • Đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên hoặc đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hoà giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Ngoài việc xử phạt thi còn có thể bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. Như vậy, trường hợp Hòa giải viên thương mại không thực hiện hoạt động thông báo cho các bên biết về thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải thì có thể bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng.

Câu 9: Hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo bao gồm những loại giấy tờ gì? Thủ tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo được thực hiện ra sao? Cơ quan nào có thẩm quyền phát hiện người được hưởng án treo có đủ điều kiện rút ngắn thời gian thử thách nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền đề nghị không?

  1. Cho tôi hỏi hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo bao gồm những loại giấy tờ gì?

Hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thứ thách đối với người được hưởng án treo thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật Thi hành án hình sự 2019, cụ thể:

  • Đơn đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo;
  • Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo;
  • Văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo;
  • Trường hợp người được hưởng án treo được khen thưởng hoặc lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người được hưởng án treo lập công; trường hợp bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của họ;
  • Trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách thì phải có bản sao quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
  1. Thủ tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo được thực hiện ra sao?

Thủ tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 90 của Luật Thi hành án hình sự như sau:

Bước 1: UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan để đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách đối người đủ điều kiện.

Bước 2: Trong thời hạn 7 ngày kể từ nhận được báo cáo:

  • Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.
  • Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát quân sự khu vực. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản thông báo cho đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án đã ra quyết định cho hưởng án treo, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định cho hưởng án treo có trụ sở.

  1. quan nào có thẩm quyền phát hiện người được hưởng án treo có đủ điều kiện rút ngắn thời gian thử thách nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền đề nghị không?

Căn cứ khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch 03/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định như sau: Khi thực hiện chức năng kiểm sát thi hành án việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, Viện kiểm sát có thẩm quyền phát hiện người được hưởng án treo có đủ điều kiện rút ngắn thời gian thử thách nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền đề nghị thì có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.” Như vậy, Viện kiểm sát có thẩm quyền phát hiện trường hợp người được hưởng án treo có đủ điều kiện rút ngắn thời gian thử thách nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền đề nghị.

Câu 10: Có thể tố giác tội phạm bằng lời nói đúng không? Thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm được quy định như thế nào? Thời hạn giải quyết tố giác tội phạm là bao lâu? 

  1. Cho anh hỏi trường hợp mình phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm thì mình có được tố cáo hành vi đó bằng lời nói được không?

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Khoản 4 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về hình thức thực hiện hoạt động tố giác về tội phạm như sau: “Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản”. Như vậy, việc tố giác tội phạm có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

  1. Thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm được quy định như thế nào?

Thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, cụ thể:

  • Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình.
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
  • Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
  1. Thời hạn giải quyết tố giác tội phạm là bao lâu? 

Căn cứ theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định như sau:

  • Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm.
  • Đối với tố giác về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết.
  • Trường hợp sắp hết thời gian sau khi gia hạn lần thứ nhất nhưng chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
  • Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn lần thứ nhất.

Như vậy thời gian tối đa giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa không quá 4 tháng, kể từ ngày tiếp nhận nguồn tin báo, tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!