Làm gì để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đấu thầu đất đai?

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (vào tháng 10/2022) và theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023).

Xin Luật sư đánh giá về việc sửa đổi Luật Đất đai hiện nay?

Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thực hiện hóa theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng tới việc hoàn thiện pháp luật đất đai phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung và xử lý những vấn đề đất đai do lịch sử để lại; khắc phục yếu kém, tồn tại của quản lý đất đai. Để khắc phục hạn chế này, Nghị quyết số 18 – NQ/TW đặt ra yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung của hệ thống pháp luật đất đai thông qua định hướng hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hoàn thiện pháp luật đất đai hướng vào việc xử lý những vấn đề đất đai do lịch sử để lại, khắc phục yếu kém, tồn tại của quản lý đất đai góp phần duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và điều chỉnh các loại hình sử dụng đất mới phát sinh.

Việc hoàn thiện pháp luật đất đai đặt trong bối cảnh bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường: việc xác định bảng giá đất giao cho các địa phương thực hiện, bổ sung quy định về nâng cao tỷ lệ thành viên của hội đồng thẩm định giá; bổ sung quy định về đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ định giá đất, điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức tư vấn xác định giá đất, quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của định giá viên; bổ sung hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, bắt buộc giao dịch về nhà, đất qua các sàn nhà giao dịch bất động sản, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt, xử lý nghiêm các vi phạm,…

Pháp luật đất đai sửa đổi theo quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang nhằm đấu tranh với các hành vi đầu cơ, thu gom nhà, đất tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo để mua bán đất đai kiếm lời; thao túng thị trường bất động sản và sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả… Theo đó, bổ sung quy định về đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, đầy đủ, chính xác trong phạm vi cả nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, thanh tra đất đai; có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư;…

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất; pháp luật đất đai hoàn thiện theo hướng: bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Dự thảo luật đất đai dự thảo theo hướng bổ sung các quy định về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta, tạo điều kiện thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo xu hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch và bền vững.

Trong các vấn đề đang lấy ý kiến nhân dân, vấn đề nào trong dự thảo Luật Đất đai Luật sư quan tâm nhất? vì sao?.

Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đã có những nội dung mới nhưng chưa phân định rõ ranh giới giữa các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án vì lợi nhuận của các nhà đầu tư. Cụ thể:

Nhà nước thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công công được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên Luật Đất đai 2013 chưa có những quy định cụ thể để có căn cứ xác định những dự án nào thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế –  xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng mà sử dụng hình thức liệt kê các trường hợp bị thu hồi đất. Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật Đất đai 2013 đã có những thay đổi, điều chỉnh lại các hạng mục công trình thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng vẫn được xây dựng theo phương án liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Theo quan điểm của Luật sư, việc xây dựng theo phương án liệt kê là chưa hợp lý bởi nếu không quy định rõ các tiêu chí cụ thể để làm căn cứ xác định đâu là dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với những dự án của nhà đầu tư có phát sinh lợi nhuận. Bởi lẽ thực tế hiện nay có những dự án mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư, lợi nhuận thuộc về nhà đầu tư nhưng vẫn gắn mác “vì lợi ích quốc gia, công cộng” , được điều chỉnh bởi các quyết định hành chính đơn phương từ Nhà nước trong việc thu hồi đất gây nên sự so sánh thiệt hơn về lợi nhuận giữa người bị thu hồi đất và nhà đầu tư và dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân về đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện quy định các dự án vì mục tiêu lợi nhuận thuộc diện Nhà nước thu hồi đất bằng cơ chế hành chính thì sẽ không điều tiết được lợi ích công bằng giữa người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi người dân bị thu hồi đất lại được bồi thường về đất bị thu hồi bằng các quyết định hành chính về giá đất bồi thường theo bảng giá đất mà Nhà nước ấn định nhưng lợi nhuận của các nhà đầu tư thực hiện dự án lại thực hiện trên cơ sở giá thị trường. Điều này cho thấy sự không hợp lý từ các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân có đất bị thu hồi và không điều tiết được lợi ích công bằng giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Dự thảo Luật Đất đai cần được xây dựng theo hướng quy định cụ thể các tiêu chí để làm căn cứ xác định đầu là dự án đầu tư công và dự án nào được xác định là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Để giá đất sát với giá thị trường, theo Luật sư Luật cần bổ sung những quy định như thế nào?

Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Đầu tiên cần quan tâm đến là định giá đất đai theo giá thị trường, bỏ khung giá đất, giao trách nhiệm trực tiếp cho các cơ quan có thẩm quyền xây dựng bảng giá đất ở từng địa phương sát với giá đất của địa phương đó theo từng năm, thông báo công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm.

Tiếp theo, cần có cơ chế đấu giá, đấu thầu chặt chẽ để hạn chế một cách tối đa những lợi ích nhóm để trục lợi từ đất công. Cùng với đó là tôn trọng sự giám sát, phản biện trong nhân dân và xã hội làm minh bạch hóa trong quá trình cổ phần cũng như chuyển đổi hình thức quản lý của các chủ thể về sử dụng đất đai.

Tiếp nữa, điều quan trọng là cơ quan, những người có thẩm quyền phải áp dụng pháp luật, thừa hành pháp luật thực sự đúng, công bằng, công khai, minh bạch trong công tác quản lý. Từ đó, đặt sự phát triển chung của xã hội lên hàng đầu. Bởi tài sản công, tài sản đất đai cũng chỉ có giới hạn. Đất không thể tự “nở” ra nên cần phải xem xét, tính toán sử dụng đất một cách hợp lý, có giá trị nhất cho toàn cộng đồng. Trong trường hợp để xảy ra sai phạm thì sẽ có các chế tài nghiêm khắc xử lý, tạo lòng tin cho người dân đối với hệ thống cơ quan công quyền của nước ta.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, theo Luật sư việc sửa đổi luật cần lưu ý những điểm gì để doanh nghiệp tiếp cận đấu thầu mà không lợi dụng “lỗ hổng” pháp lý để trục lợi? Nhất là đấu thầu trong các dự án bất động sản ?

Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Các dự án đầu tư kinh doanh sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư. Do đó, việc sửa đổi Luật Đấu thầu cần liên kết chặt chẽ với sửa đổi Luật Đất đai. Một số vấn đề lưu ý trong quá trình xây dựng Luật như sau:

Khớp nối phương thức giao đất với phương thức lựa chọn nhà đầu tư

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Bộ KHĐT lấy ý kiến rộng rãi tại văn bản số 3975/BKHĐT-QLĐT ngày 15/6/2022. Điều 1 Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh gồm đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện “Dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật” Các loại hình dự án nêu trên được kế thừa từ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên bản chất hình thức đấu thầu dự án là hài hòa lợi ích Nhà nước – nhà đầu tư – xã hội, theo đó nhà đầu tư được miễn giải phóng mặt bằng, công việc này thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước đóng vai trò trung gian; nhà đầu tư trúng thầu ứng tiền để Nhà nước chi GPMB, thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư đó. Tuy nhiên, các dự án nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo pháp luật đất đai hiện hành. Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận: Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước…; Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương…; Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp…

Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 đã liệt kê các loại hình dự án được thu hồi đất sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua, trong đó có nhà ở xã hội, khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư nông thôn… Tuy nhiên các dự án nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ theo dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi không thuộc trường hợp thu hồi đất theo Luật Đất đai nên không thể áp dụng phương thức đấu thầu.

Do đó, với phương án sửa đổi Luật Đấu thầu nêu trên, Bộ KHĐT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TNMT để sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khớp nối các loại hình dự án được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với các dự án được thu hồi đất.

Về kỹ thuật soạn thảo, Điều 62 Luật Đất đai hiện hành quy định các trường hợp thu hồi đất theo phương pháp liệt kê các loại hình dự án. Như vậy, Luật Đất đai sửa đổi có thể liệt kê bổ sung các dự án nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; hoặc bổ sung “các dự án mà Nhà nước có kế hoạch, chiến lược tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu” đều thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà không cần quan tâm đó là dự án gì.

Ngoài ra, Điều 52 Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định về căn cứ lập danh mục dự án. Đây là các quy định được luật hóa từ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (Nghị định 25). Tuy nhiên Dự thảo thiếu quy định điều kiện tiên quyết là thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo pháp luật về đất đai hoặc thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng (đã quy định tại Điều 11 Nghị định 25). Do vậy, cần bổ sung điều kiện “Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai” vào căn cứ lập danh mục dự án đầu tư tại Điều 52 Dự thảo để thuận lợi cho triển khai dự án, GPMB của nhà đầu tư trúng thầu.

Thiếu cơ chế giao đất cho nhà đầu tư

So với Nghị định 25, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi còn thiếu quy định về việc triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư trúng đấu thầu sau khi ký kết hợp đồng dự án.

Như đã nêu, hình thức đấu thầu dự án miễn trừ trách nhiệm GPMB cho nhà đầu tư. Điều 60 Nghị định 25 đã quy định rõ về triển khai thực hiện dự án; sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; các bên ký kết hợp đồng dự án; nhà đầu tư nộp tiền GPMB để Nhà nước thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư không qua đấu giá. 

Như vậy, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần bổ sung quy định như tại Điều 60 Nghị định 25; hoặc Bộ KHĐT cần trao đổi với Bộ TNMT (cơ quan chủ trì soạn Luật Đất đai) để bổ sung các quy định nêu trên vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Nếu Luật Đất đai sửa đổi và Luật Đấu thầu sửa đổi đều không quy định nội dung này sẽ gây vướng mắc, “khoảng trống pháp luật” như giai đoạn trước Nghị định 25 (do Nghị định số 30/2015/NĐ-CP không quy định cơ chế thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu).

Trước khi Nghị định 25 có hiệu lực, các địa phương đều lúng túng trong việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu do Luật Đất đai 2013 chỉ quy định 2 cơ chế giao đất: giao đất thông qua đấu giá và giao đất không thông qua đấu giá mà “bỏ quên” cơ chế giao đất thông qua đấu thầu và cũng không ghi nhận hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất như Luật Đất đai 2003.

Điều 60 Nghị định 25 đã tháo gỡ cơ chế triển khai, tuy nhiên do quy định nằm trong một văn bản dưới luật, để tránh xung đột, chồng chéo, cần “luật hóa” hình thức đấu thầu dự án trong Luật Đất đai sửa đổi và quy định trường hợp đấu thầu dự án thì giao đất không qua đấu giá.

Chuẩn hóa thời hạn hợp đồng dự án

Điều 73 Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định: “Thời hạn hợp đồng của các dự án khu đô thị, nhà ở, công trình thương mại dịch vụ: cho đến khi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoàn thành nghĩa vụ đầu tư, xây dựng công trình”.

Quy định như Dự thảo sẽ gây vướng mắc bởi các dự án khu đô thị, nhà ở, công trình thương mại dịch vụ sau khi hoàn thành nghĩa vụ đầu tư, xây dựng công trình còn giai đoạn kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; nếu hợp đồng chấm dứt trước khi hoàn thành kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm sẽ cản trở quyền, lợi ích của nhà đầu tư. Ngoài ra, trước khi đấu thầu dự án thì thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có nội dung về thời hạn dự án mà nhà đầu tư trúng thầu phải tuân thủ thời hạn này.

Do đó, cần sửa thành: “Thời hạn hợp đồng của các dự án khu đô thị, nhà ở, công trình thương mại dịch vụ: cho đến khi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoàn thành nghĩa vụ đầu tư, xây dựng công trình, kinh doanh sản phẩm và phù hợp với thời hạn dự án”

Với việc sửa đổi Luật lần này, Luật sư có kỳ vọng như thế nào trong việc gỡ vướng những vấn đề còn tồn đọng trong Luật Đất đai hiện hành?

Ý kiến của Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Trưởng Phòng Tranh Tụng, Công Ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung những quy định mới, góp phần tháo gỡ những quy định đang vướng mắc hiện nay cũng như đưa những quy định pháp luật tiến gần hơn với thực tế, tạo khung pháp lý cơ bản để điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến đất đai. Một số những điểm mới trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Một thực trạng rất phổ biến hiện nay là giá đất khi các bên tiến hành chuyển nhượng cao hơn gấp nhiều lần so với giá trong bảng giá đất. Trong quan hệ dân sự, các bên xác định giá đất theo giá thị trường. Tuy nhiên trong quan hệ hành chính, mức bồi thường của Nhà nước khi tiến hành thu hồi đất cho người sử dụng đất lại được xác định trên cơ sở bảng giá đất mà không phải theo giá đất cụ thể (theo quy định hiện hành của Luật Đất đai 2013). Như vậy, người sử dụng đất trong trường hợp bị Nhà nước thu hồi đã bị thiệt hại rất lớn do mức bồi thường không tương xứng với giá trị thực tế của thửa đất. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án,… Việc ban hành quy định bỏ khung giá đất và bổ sung quy định về giá đất cụ thể sẽ góp phần đưa giá đất tới gần hơn với giá thị trường từ đó đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất. Tuy nhiên do giá đất thị trường thường xuyên biến đổi và không có tính ổn định nên phía cơ quan nhà nước cũng cần quy định cụ thể về tổ chức có thẩm quyền xác định giá đất, cơ sở xác định và phương thức xác định giá đất,… Tránh trường hợp việc xác định giá đất được tiến hành một cách tùy tiện, không minh bạch, lợi dụng việc định giá để hạ thấp giá đất, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các chủ thể có liên quan.

Thứ hai, Dự thảo quy định việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc dự thảo quy định như vậy góp phần hạn chế việc giao đất, cho thuê đất một cách tùy tiện, không đúng đối tượng theo quy định pháp luật. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình giao đất, cho thuê đất, tránh tình trạng xin, cho đất như một số vụ việc đã xảy ra trên thực tế,

Thứ ba, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc giải quyết quyền lợi cho những người bị thu hồi đất và các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định việc phê duyệt quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện trong cùng một ngày (điểm a khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai). Điều này dẫn tới thực trạng nhiều nhà đầu tư đưa ra hứa hẹn về các khu tái định cư nhưng khi người dân giao đất, nhận nhà tái định cư thì nơi tái định cư không đúng như thông tin ban đầu chủ đầu chủ đầu tư cung cấp. Như vậy, quyền lợi của người bị thu hồi đất đã được bảo đảm trước khi tiến hành thu hồi đất từ đó tạo được sự đồng thuận giữa người bị thu hồi đất với Nhà nước, doanh nghiệp,… giúp quá trình thu hồi đất được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, nhanh chóng tạo mặt bằng “sạch” để việc xây dựng các dự án, công trình phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

»» BÁO CHÍ ĐƯA TIN:

Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật – Cơ quan chủ quản: Hội Luật gia Việt Nam Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty TNHH Luật TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) 

Báo VOV – Báo tiếng nói Việt Nam: http://www.baovov.vn/tin-tuc/Kinh-te/22295/Thu-hoi-dat-tranh-tinh-trang-nha-dau-tu-nup-lung-Nha-nuoc-de-truc-loi

Báo Tiếng nói Việt Nam – Số 12 thứ 5 ngày 23/3/2023

 
call-to-like

Đội ngũ luật sư đất đai – Hãng Luật TGS LAWFIRM

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!