Những mặt tích cực và tiêu cực của Thương mại điện tử xuyên quốc gia
Những mặt tích cực và tiêu cực của Thương mại điện tử xuyên quốc gia

Những mặt tích cực và tiêu cực của Thương mại điện tử xuyên quốc gia

Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT, nhất là các giao dịch TMĐT xuyên quốc gia (Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở ĐNA về mua hàng online xuyên biên giới). Vấn đề là Việt Nam chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu về hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Nhìn từ chủ quyền Quốc gia thì hiện hoạt động tại Việt Nam là các DN TMĐT nước ngoài, đồng nghĩa các dữ liệu mua hàng của người Việt sẽ được bảo vệ như thế nào,…

1/ Xin ông chia sẻ những tác động của TMĐT xuyên biên giới đến nền kinh tế xã hội của Việt Nam ?

Tiến sỹ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội):

Về mặt tích cực:

Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống con người. Thụ hưởng kết quả của cuộc cách mạng 4.0, thương mại điện tử đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thế giới. Thương mại điện tử nói chung, Thương mại điện tử xuyên quốc gia nói riêng hiện nay đang trở thành một trong những cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được chứng minh thông qua các số liệu thống kê về tốc độ tăng trường của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới. Cũng như số thuế mà Cơ quan thuế thu được từ hoạt động quản lý TMĐT số thu trung bình hơn 1.100 tỷ đồng/năm.

TMĐT xuyên biên giới góp phần xóa bỏ sự phức tạp của phương thức xuất khẩu truyền thống và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu một cách nhanh nhất mà thương mại truyền thống không thể làm được. Nếu xuất khẩu truyền thống sẽ đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo sẽ là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng thì TMĐT xuyên biên giới rút ngắn quãng đường, đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng TMĐT và tới người tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong nước. 

TMĐT giúp loại bỏ trung gian sẽ giảm chi phí và tăng lợi nhuận, kiểm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm. Các Doanh nghiệp thông qua TMĐT xuyên biên giới có thể tự định giá thương hiệu của mình.

Về mặt tiêu cực:

Thương mại xuyên biên giới gây khó khăn trong việc quản lý thuế, gây thất thu thuế, do các bên tham gia hoạt động quảng cáo thương mại có thể tránh né được nghĩa vụ nộp thuế bằng các thủ thuật khác nhau. Một số nhà cung cấp mặc dù có được nguồn thu lớn từ thị trường Việt Nam nhưng lại chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế, thậm chí cố tình tìm mọi thủ đoạn để trốn thuế, làm tổn hại cho ngân sách quốc gia, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động, đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thuế.

Thương mại điện tử xuyên biên giới khiến Vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên nổi cộm. Bởi Việt Nam chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu về hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

2/ Theo ông để kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm và chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới thì chúng ta phải có những giải pháp nào? Đâu là những “lỗ hổng” trong chính sách về quản lý TMĐT tại VN thưa ông?

Tiến sỹ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội):

Thương mại điện tử xuyên biên giới là một hình thức thương mại mới và có nhiều điểm khác biệt với thương mại truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra nhiều thách thức về mặt quản lý cho các quốc gia để vừa đảm bảo sự hội nhập với nền thương mại quốc tế, vừa đảm bảo hoạt động quản lý hiệu quả.

Về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm

Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, một trong những bài toán mà cơ quan quản lý gặp phải là việc kiểm soát hàng hóa, bao gồm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… Nguyên nhân chính là do các sản phẩm giao dịch có nguồn gốc đa dạng, giá trị sản phẩm nhỏ nên các hoạt động kiểm tra hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành sẽ rất manh mún. Mặt khác, nhiều sản phẩm, thường là các sản phẩm có giá trị thấp, không có đầy đủ các giấy tờ, chứng từ liên quan để chứng minh chất lượng, nguồn gốc, khiến hoạt động thông quan gặp khó khăn. TMĐT xuyên biên giới tạo ra sự đa dạng về hàng hóa, nhưng cũng chính sự đa dạng này khiến cơ quan quản lý không đủ nguồn lực để kiểm soát quá trình giao dịch.

Giải pháp:

– Quy định chi tiết sàn TMĐT phải yêu cầu các chủ cửa hàng kinh doanh cung cấp các giấy tờ chứng minh về hàng hóa đủ điều kiện kinh doanh và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ thì mới được đăng tải sản phẩm trên sàn TMĐT để bán;

– Bổ sung và tăng hình phạt các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT, đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm trên môi trường điện tử;

– Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công an, Ngân hàng, Hải quan, Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.

Về chống thất thu thuế

Những năm gần đây, chính sách thuế về TMĐT xuyên quốc gia đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Do đó, các đơn vị như Thuế, hải quan, quản lý thị trường, ngân hàng nhà nước… tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc chống thất thu thuế. Mấu chốt của việc phối hợp này là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung để chia sẻ thông tin. Trong đó, Cục Thuế cấp tỉnh, thành phố chia sẻ thông tin về thuế; Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố chia sẻ thông tin về các website và ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, thành phố… Trên cơ sở đó, cơ quan thuế có thể quản lý và thông báo nghĩa vụ thuế với người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Công nghệ thông tin là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.

Ngoài ra, cần siết chặt việc thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định đối với việc mua bán trên sàn thương mại điện tử phải thanh toán qua ngân hàng, có như vậy cục thuế mới kiểm soát được dòng tiền và có thể thực hiện các việc liên quan đến nghĩa vụ thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử.

Những “lỗ hổng” trong chính sách về quản lý TMĐT tại VN

Thứ nhất, nhiều mô hình thương mại điện tử xuất hiện đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Các mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Tuy nhiên, tại Nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan chủ yếu điều chỉnh các hình thức thương mại điện tử thông dụng, trong khi đó, hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, trên thiết bị di động có những đặc điểm không tương đồng với sàn giao dịch TMĐT như: mạng xã hội khá đa dạng ở cách thức đăng bài, có thể là trên trang cá nhân, hoặc chuyên trang của facebook; mặt khác cách thức giao kết hợp đồng, thỏa thuận mua bán hay phương thức thanh toán cũng đa dạng, không thông qua sàn. Do vậy, việc áp dụng quy định chung như hiện nay là chưa phù hợp.

Thứ hai, quy định về quy trình giao kết hợp đồng chưa hoàn chỉnh.

Tại Mục 2 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP dành 8 điều (Từ điều 15 đến điều 23) quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua, nhưng chưa có quy định về nội dung hợp đồng mẫu, trong khi các giao dịch này đang phát triển ngày càng nhanh chóng và tự phát khiến cho người tiêu dùng gặp nhiều bất lợi, rủi ro khi có tranh chấp xảy ra. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 tuy đã có đưa ra một số quy định về hợp đồng mẫu nhưng chủ yếu chỉ điều chỉnh các hợp đồng mẫu giao kết theo phương thức truyền thống mà chưa tính đến hợp đồng điện tử.

Thứ ba, chưa có quy định cụ thể về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hiện nay các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất (Shopee, Lazada, Tiki và Sendo) đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động đầu tư phần lớn được thực hiện dưới hình thức đầu tư gián tiếp thông qua công ty con tại một quốc gia thứ ba, hoặc dưới các hình thức hợp tác kinh doanh khác ngoài việc góp cổ phần. Việc nhà đầu tư nước ngoài chi phối lĩnh vực thương mại điện tử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực đối với hệ thống thương mại, thị trường sản xuất nội địa và vấn đề an ninh thông tin quốc gia: Thứ nhất, từ lượng lớn cơ sở dữ liệu của hàng triệu người tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nhà đầu tư nước ngoài có thể khai thác, kiểm soát nhiều thông tin quan trọng, có tác động đáng kể đến lĩnh vực sản xuất tiêu dùng trong tương lai. Thứ hai, thông qua việc tham gia quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà đầu tư nước ngoài có thể tác động đến chính sách chung của sàn theo hướng tạo thuận lợi cho người bán nước ngoài tham gia bán hàng trên sàn, từ đó tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu trong các kênh phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, giảm tỷ lệ hàng nội địa, có thể dẫn đến triệt tiêu hoạt động sản xuất trong nước, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng và quản lý thuế.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn liên quan không có quy định về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam. Chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài trên các hệ thống thương mại điện tử, cũng như nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quản lý giữa mô hình phân phối truyền thống và mô hình phân phối thương mại điện tử.

Thứ tư, các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa có tính răn đe cao.

Tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và quyền lợi người tiêu dùng có quy định cụ thể từ Điều 63 đến Điều 66 về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Tuy nhiên, các mức phạt tiền đều không vượt quá 50.000.000 đồng. Cùng với việc phạt tiền thì có các hình thức xử phạt bổ sung khác. Tuy nhiên, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền so với khoản lợi nhuận từ hành vi bất chính gây ra không quá lớn. Do vậy, ít có tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm, phạm tội, sẵn sàng tiếp tục thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật để chạy theo lợi nhuận.

Tiến sỹ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS

3/ Nhìn từ vấn đề chủ quyền quốc gia, các lỗ hổng về chính sách đó, đã có những ảnh hưởng như thế nào đối với chủ quyền của VN trên không gian mạng (an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu…) nhất là khi Việt Nam đang định hướng phát triển nền kinh tế số?

Tiến sỹ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội):

Ảnh hưởng lớn nhất từ những lỗ hổng về chính sách quản lí thương mại điện tử đối với chủ quyền của VN trên không gian mạng đó là vấn nạn đánh cắp thông tin, bảo mật dữ liệu. Các cuộc tấn công mạng với động cơ chính trị vào hệ thống thông tin trọng yếu của các nước ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Tội phạm mạng ngày càng nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi, kỹ thuật cao, sử dụng các loại mã độc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tấn công, xâm nhập.

Vấn nạn tin giả, thông tin sai sự thật, tin xấu, độc, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đang diễn ra nghiêm trọng

Hoạt động tội phạm lợi dụng lỗ hổng công nghệ gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt và hệ lụy lâu dài cho xã hội.

4/ Để bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng và trong nền kinh tế số, theo ông chúng ta cần phải có những bước đi như thế nào?

Tiến sỹ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội):

Một là, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu TMĐT trong bối cảnh cách mạng 4.0. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy phạm pháp luật các chính sách theo hướng bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hai là, cần xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Các loại hình báo chí chính thống giữ vai trò chủ đạo, định hướng dư luận để đủ sức đề kháng đối với các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phản bác, vô hiệu hoá các thông tin xấu, luận điệu phản tuyên truyền trên không gian mạng.

Ba là, xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng, cụ thể:

(1) Xây dựng đội ngũ chuyên gia an ninh mạng có năng lực xử lý các sự cố, tình hình an ninh thông tin, an ninh mạng. (2) Hình thành các chuyên ngành đào tạo về an ninh thông tin, an ninh mạng. (3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các học sinh, sinh viên khá, giỏi theo học chuyên ngành an ninh thông tin, an ninh mạng; thu hút, trọng dụng, đãi ngộ các chuyên gia giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước; (4) nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường trọng điểm về an toàn thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Cần nâng cao sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam đối với an toàn, an ninh mạng trong khu vực và thế giới. Tương tự như bảo vệ chủ quyền quốc gia cần quân đội mạnh, thì bảo vệ chủ quyền số quốc gia cần lực lượng an toàn, an ninh mạng giỏi, chuyên sâu, có khả năng làm chủ công nghệ, hạn chế và tiến tới không phụ thuộc vào công nghệ và thiết bị của nước ngoài.

Bốn là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu khoa học, công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia.

5/ Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách, thực thi pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong hoạt động thương mại điện tử xuyên quốc gia?

Tiến sỹ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội):

Pháp luật quốc gia và pháp luật, thông lệ quốc tế đã có nhiều quy định về quản lý đối với các giao dịch trực tuyến và các nền tảng xuyên biên giới từ đó bảo vệ chủ quyền quốc gia. Như

Luật Thực thi mạng của Đức (NetzDG) năm 2017 yêu cầu các nền tảng có ít nhất 2 triệu người dùng phải thiết lập quy trình để người dùng báo cáo nội dung bất hợp pháp và yêu cầu xóa mọi nội dung “rõ ràng là bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được đơn khiếu nại và các nội dung bất hợp pháp khác trong vòng 7 ngày.

Tháng 2-2021, Nhật Bản đã ban hành Luật về cải thiện tính minh bạch và công bằng của các nền tảng kỹ thuật số, để cải thiện tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch, lưu ý rằng các quy định không được can thiệp vào đổi mới kỹ thuật số.

Singapore đã ban hành các luật như Luật Giao dịch điện tử (ETA) năm 1998, Luật về bảo vệ khỏi sự giả dối và thao túng trên mạng (POFMA) năm 2019, thường được biết đến là Luật Tin tức giả, cho phép các cơ quan chức năng giải quyết việc phát tán tin tức giả hoặc thông tin sai sự thật. Luật POFMA áp dụng chế tài đối với thông tin sai sự thật ở Singapore ngay cả khi người truyền đạt thông tin đó không ở trong nước và thông tin sai sự thật đó gây phương hại đến an ninh quốc gia, sức khỏe, an toàn của cộng đồng, tài chính công, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế thân thiện với các quốc gia khác, đến kết quả của các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống hoặc các cuộc trưng cầu dân ý, kích động căng thẳng giữa các nhóm người khác nhau hoặc làm giảm niềm tin của công chúng vào dịch vụ công hoặc quản trị chung của Singapore.

Nga đã ban hành Luật Liên bang số 34-FZ, ngày 18-3-2019, “Về việc sửa đổi các phần 1, 2 và Điều 1124 của phần 3 Bộ luật Dân sự Nga”. Ngày 31-7-2020, Nga đã ban hành Luật Liên bang về tài sản tài chính kỹ thuật số và tiền kỹ thuật số và một số sửa đổi liên quan đến các luật lập pháp nhất định ở Nga. Ngày 30-12-2020, Tổng thống Nga Putin đã ký Luật Liên bang số 482-FZ về sửa đổi Luật Liên bang về các hành động thực thi liên quan đến những người vi phạm các quyền cơ bản và tự do của con người và các quyền và tự do của công dân Nga. Theo luật mới, chủ sở hữu nguồn thông tin trên in-tơ-nét có thể bị truy cứu trách nhiệm do vi phạm luật truyền thông, nếu tài nguyên in-tơ-nét bằng cách nào đó hạn chế việc phân phối nội dung từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga (Điều 1); Cơ quan Liên bang về giám sát truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng (Roskomnadzor) có quyền chặn một phần hoặc toàn bộ nền tảng kỹ thuật số vi phạm vì “phân biệt đối xử với nội dung của các phương tiện truyền thông đại chúng của Nga” (Điều 3). Luật nhắm vào các chủ sở hữu tài nguyên in-tơ-nét, bao gồm cả các tài nguyên nước ngoài. Luật cũng áp dụng cho nội dung của các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện trực tuyến đã đăng ký và chưa đăng ký, chẳng hạn blog.

Có thể thấy, các quốc gia trên thế giới đều đã ban hành các quy định cụ thể về vấn đề kinh doanh thương mại xuyên biên giới nhằm giải phòng tránh và giải quyết tình trạng xâm phạm đến an ninh, chủ quyền quốc gia trong hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng kỹ thuật số.

 


call-to-like

Đội ngũ luật sư đất đai – Hãng Luật TGS LAWFIRM

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Ông là một luật sư giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai. Luật sư đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án tranh chấp đất đai, vụ án hình sự, kinh tế, thương mại,.. trên toàn quốc.

lshunga

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Công ty Luật TGS

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng là một luật sư giỏi, đã từng công tác tại Công ty Luật TNHH NHB và nhiều công ty luật có thương hiệu khác, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đất đai, hình sự, dân sự.

lshungb

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Luật sư Công ty Luật TGS

Luật sư Đức Hùng từng công tác tại nhiều tổ chức hành nghề luật sư uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

lsson

 

Luật sư Hà Huy Sơn – Luật sư Công ty Luật TGS

Là một luật sư giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hình Sự, luật sư Hà Huy Sơn đã gây dựng được cho mình thương hiệu riêng và sự uy tín vững chắc đối với khách hàng.

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!