Tổng hợp tình huống đấu thầu tháng 10/2022

Nội dung bài viết

Câu 1: Cho tôi hỏi là thời gian đăng tải quyết định sửa đổi hồ sơ mời thầu trong hồ sơ mời thầu xây lắp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được quy định như thế nào? Tôi cảm ơn!

Trả lời:

Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ áp dụng đối với gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn ché nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ là việc nhà tuyển dụng và hồ sơ dự thầu được mời thông qua một túi hồ sơ (Đồng thời về kỹ thuật & tài chính) hoặc hai túi hồ sơ (Đề xuất kỹ thuật & tài chính được thu thập đồng thời, Đề xuất kỹ thuật ban đầu được đánh giá và Đề xuất tài chính đủ điều kiện kỹ thuật nhà thầu đã mở). Nhà thầu được đánh giá theo tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu / hồ sơ yêu cầu.

Theo hướng dẫn tại Chương I Phần 1 về thủ tục đấu thầu ban hành kèm Thông tư 15/2022/TT-BKHĐT quy định việc sửa đổi HSMT được thực hiện trước thời điểm đóng thầu và nội dung sửa đổi HSMT được coi là một phần của HSMT và phải được đăng tải trên Hệ thống mạng theo:

– Quyết định sửa đổi HSMT kèm theo những nội dung sửa đổi HSMT;

– Quyết định sửa đổi HSMT kèm theo HSMT đã được sửa đổi. Trong HSMT đã được sửa đổi phải thể hiện rõ các nội dung sửa đổi.

Thời gian đăng tải Quyết định sửa đổi HSMT tối thiểu là 15 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp thời gian đăng tải Quyết định sửa đổi HSMT không đáp ứng quy định tại Mục này, Bên mời thầu phải thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng cho phù hợp. Trường hợp xét thấy nhà thầu cần thêm thời gian để chuẩn bị HSDT cho phù hợp với HSMT sửa đổi, Bên mời thầu có thể gia hạn thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 21.2 CDNT.

Như vậy, thời gian đăng tải Quyết định sửa đổi HSMT tối thiểu là 15 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp thời gian đăng tải Quyết định sửa đổi HSMT không đáp ứng quy định tại Mục này, bên mời thầu phải thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng cho phù hợp.

Câu 2: Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu dưới 01 tỷ đồng thì nhà thầu phải đáp ứng điều kiện cơ bản nào để được dự thầu?

Trả lời:

Để được tham gia dự thầu thì nhà thầu, nhà đầu tư cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu 2013 quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, cụ thể như sau:

Đối với nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức:

– Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;

– Hạch toán tài chính độc lập;

– Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;

– Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

– Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật Đấu thầu 2013;

– Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;

– Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

– Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Đối với nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

– Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;

– Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

– Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

Theo quy định, tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định về hạn mức chỉ định thầu thì gói thầu xây lắp có hạn mức chỉ định thầu là không quá 01 tỷ đồng. Như vậy, khi đáp ứng được các điều kiện nói trên thì nhà thầu, nhà đầu tư được có tư cách hợp lệ được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.

Câu 3: Cho tôi xin về các trường hợp nào được áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu?

Trả lời:

Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu 2013. Cụ thể như sau:

– Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;

– Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;

– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;

– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;

– Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;

– Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

Câu 4: Không đồng ý với việc lựa chọn nhà thầu gói thầu B thuộc dự án đầu tư phát triển, nhà thầu A đã gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu gói thầu B. Bên mời thầu phải xử lý đơn kiến nghị của nhà thầu A như thế nào? Nếu gửi đơn không đúng quy trình thì có được xử lý hay không?

Trả lời:

Quy trình giải quyết kiến nghị được quy định tại Khoản 3 Điều 92 Luật Đấu thầu năm 2013, theo đó trường hợp không đồng ý với việc lựa chọn nhà thầu gói thầu B thuộc dự án đầu tư phát triển, nhà thầu A đã gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu gói thầu B. Bên mời thầu phải phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư A trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư.

Trường hợp bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu và người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư.

Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị trực tiếp đến người có thẩm quyền mà không tuân thủ theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều này thì văn bản kiến nghị không được xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều 92 Luật Đấu thầu năm 2013.

Câu 5: Luật sư cho tôi hỏi là việc sử dụng nhà thầu phụ có làm thay đổi nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà thầu chính hay không ạ?

Trả lời:

Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Căn cứ theo hướng dẫn tại Chương VI Phần 3 Mẫu số 01 ban hành kèm Thông tư 15/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về nhà thầu phụ trong hợp đồng đấu thầu thì Nhà thầu được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT để thực hiện một phần công việc nêu trong HSDT, Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của Nhà thầu. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các nghĩa vụ khác đối với phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã được nêu tại Mục này chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được Chủ đầu tư chấp thuận. Cụ thể:

– Giá trị công việc mà các nhà thầu phụ quy định tại Mục 7.1 ĐKC thực hiện không được vượt quá tỷ lệ phần trăm theo Giá hợp đồng quy định tại ĐKCT;

– Nhà thầu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho nhà thầu phụ theo các điều khoản thỏa thuận giữa Nhà thầu và nhà thầu phụ;

– Nhà thầu không được sử dụng nhà thầu phụ cho các công việc khác ngoài công việc kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong HSDT;

– Yêu cầu khác về nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT;

Như vậy, Nhà thầu được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT để thực hiện một phần công việc nêu trong hồ sơ dự thầu. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của Nhà thầu chính. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các nghĩa vụ khác đối với phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Câu 6: Để hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ thì giá dự thầu được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

– Có bản gốc hồ sơ dự thầu;

– Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;

– Hiệu lực của hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

– Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

– Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);

– Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);

– Nhà thầu không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

– Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định của Luật Đấu thầu.

Theo đó, giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu là một trong các nội dung để hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ.

Câu 7: Cho tôi hỏi bên mời thầu có phải chịu trách nhiệm về tính không chính xác, không hoàn chỉnh của E-HSMST trong hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP hay không? Tôi cảm ơn!

Trả lời:

E-HSMST là hồ sơ mời sơ tuyển dự án PPP qua mạng. Pháp luật quy định trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động đấu thầu qua mạng, trong đó có quy định về trách nhiệm của bên mời thầu tại Điều 22 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như sau:

“1. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại các điểm a, b, c, d, k khoản 1 và các điểm a, b, c, đ, e, k khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu.

2. Đăng tải lên Hệ thống thông tin về nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam theo Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, việc đăng tải thực hiện theo Hướng dẫn sử dụng. Thông tin được gửi đồng thời đến Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 128 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

3. Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, bên mời thầu phải đăng tải thông tin quy định tại các Điều 13, 15, 16, 18, 19 của Thông tư này bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

4. Bên mời thầu phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất của tài liệu đăng tải trên Hệ thống với tài liệu đã được phê duyệt. Trường hợp có sự sai khác giữa tài liệu được đăng tải trên Hệ thống với tài liệu đã được phê duyệt thì tài liệu đăng tải trên Hệ thống sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện.

5. Theo dõi, cập nhật các thông tin đã đăng tải trên Hệ thống và các thông tin mà Hệ thống phản hồi.

6. Quản lý và chịu trách nhiệm trong việc phân quyền cho các Tài khoản nghiệp vụ tương ứng với vai trò của mình; quản lý việc sử dụng chứng thư số trên Hệ thống.”

Như vậy, bên mời thầu phải chịu trách nhiệm về tính không chính xác, không hoàn chỉnh của E-HSMST trong hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Trường hợp có sự sai khác giữa tài liệu được đăng tải trên Hệ thống với tài liệu đã được phê duyệt thì tài liệu đăng tải trên Hệ thống sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện.

Câu 8: Cho tôi hỏi các trường hợp nào áp dụng bảo đảm dự thầu? Việc hoàn trả bảo đảm dự thầu được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013, bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp: Đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Theo đó, tại Điều 11 Luật Đấu thầu năm 2013, bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau:

– Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;

– Đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu đối với hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trong giai đoạn hai.

Việc hoàn trả bảo đảm dự thầu được quy định tại khoản 5, khoản 7 điều 11 Luật đấu thầu năm 2013, cụ thể như sau:

– Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.

– Bên mời thầu có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 66 và Điều 72 của Luật này.

Câu 9: Tôi làm việc tại Ban quản lý trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Tôi thực hiện chỉ định thầu đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi trình hồ sơ thẩm định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, cơ quan thẩm định yêu cầu đơn vị tôi phải lập biên bản đóng, mở thầu theo quy định về hồ sơ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tại Nghị định nêu trên. Xin hỏi, tôi có bắt buộc phải lập biên bản đóng, mở thầu khi trình thẩm định đối với hình thức chỉ định thầu thông thường hay không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định về quy trình chỉ định thầu thông thường việc trình, thẩm định; phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này: “Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 của Nghị định này trước khi phê duyệt”. Theo đó hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọc nhà thầu bao gồm:

– Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;

– Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia;

– Biên bản thương thảo hợp đồng;

– Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan; trường hợp đã tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì chỉ gửi biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính và bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Như vậy, trong trường hợp trên khi trình hồ sơ thẩm định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, cơ quan thẩm định yêu cầu đơn vị ông phải lập biên bản đóng, mở thầu theo quy định về hồ sơ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu là bắt buộc và đúng với quy định của pháp luật để đảm bảo tính minh bạch khách quan khi tham gia đấu thầu.

 Câu 10: Công ty tôi có tham gia đấu thầu qua mạng. Giá trị gói thầu 30 tỷ. Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của tổ chức đấu thầu. Mặc dù vậy không được trúng thầu, Công ty B trúng thầu dự án đó. Thông tin chúng tôi được biết công ty về đó chưa thi công một công trình nào có giá trị tương đương 30 tỷ. Chúng tôi có gửi khiếu kiện lên tổ chức đấu thầu, họ đưa bằng chứng công ty B có xuất một Hợp đồng thi công 30 tỷ có hóa đơn đỏ kèm theo. Chúng tôi được biết hóa đơn và hợp đồng này không có và công ty B đã lập khống. Hành vi trên có phải là gian lận thầu không? Hợp đồng có bị hủy không? Nhà thầu có liên quan có được quyền khiếu nại khi phát hiện có hành vi gian lận thầu hay không?

Trả lời:

Tại Khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013 quy định về những hành vi gian lận trong đấu thầu là hành vi trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Như vậy nếu có thể đưa ra đầy đủ bằng chứng hợp đồng đấu thầu của Công ty B là lập khống thì đây chính là hành vi gian lận trong đấu thầu.

Theo quy định tại Khoản 4 điều 17 Luật đấu thầu năm 2013 thì khi có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì hợp đồng đấu thầu sẽ bị hủy.

Trong trường hợp trên, nhà thầu có liên quan phát hiện Công ty B có hành vi gian lận và chứng minh được điều đó thì sẽ có quyền kiến nghị cũng như khởi kiện theo quy định tại Điều 91 Luật đấu thầu năm 2013 là khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền Kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu 2013 hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị theo quy định của pháp luật.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: info.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!

/* vchat */