Tổng hợp tình huống về doanh nghiệp tháng 8/2022

Nội dung bài viết

Câu hỏi 1: Dạ xin chào Luật sư, em muốn mở quán cà phê diện tích khoảng 40m2 và em có bán tới 1,2h sáng. Vậy, em xin được hỏi các thủ tục pháp lý cần để mở quán, đế sau này không bị phạt ạ. Mong luật sư trả lời cho em,em xin chân thành cảm ơn

Trả lời:

Với đặc điểm hoạt động vào cả ban đêm, quán cà phê của bạn bắt buộc phải cung cấp đủ giấy tờ, hoàn tất thủ tục pháp lý trước khi kinh doanh theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Về thủ tục đăng ký kinh doanh thì quán cafe nhỏ tùy thuộc quy mô kinh doanh để lựa chọn một trong các loại hình kinh doanh sau:

– Hộ kinh doanh: với loại hình kinh doanh nhỏ, mở 01 đến 02 quán cafe nhỏ sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động

Doanh nghiệp tư nhân: với loại hình kinh doanh nhỏ, mở 01 đến 02 quán cafe nhỏ, không giới hạn số lượng sử dụng lao động

– Công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh: kinh doanh với quy mô lớn, theo dạng cả chuỗi cửa hàng, có thể bao gồm cả chuyển nhượng thương hiệu.

Trên thực tế, nếu bạn muốn mở quán cà phê diện tích khoảng 40m 2 đồng thời sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động thì cá nhân, nhóm cá nhân hoặc hộ gia đình lựa chọn hình thức kinh doanh theo hướng hộ kinh doanh là tối ưu nhất. Bởi lẽ, mô hình tổ chức quản lý của hộ kinh doanh đơn giản, quản lý theo hướng cá nhân hoặc hộ gia đình đứng ra kinh doanh và tận dụng nguồn lao động từ gia đình.

Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Hiện nay, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh tại các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải đăng ký trực tuyến.

Theo đó, khi bạn đăng ký hộ kinh doanh qua mạng sẽ được thực hiện tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh/thành phố nơi hộ kinh doanh của bạn đặt cơ sở chính. Sau đó bạn cần nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp huyện nơi mở quán cà phê.

Hồ sơ nộp trực tiếp tại UBND cấp huyện gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Sau 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ bằng bản giấy, cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu với hồ sơ nộp qua mạng. Nếu thông tin trùng khớp, hộ kinh doanh sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Khi đó bạn sẽ được phép mở quán cà phê theo đúng quy định pháp luật.

Nếu còn có thắc mắc về thủ tục mở quán cà phê 24h, quý khách vui lòng liên hệ Luật TGS để nhận được tư vấn miễn phí!

Câu hỏi 2: Tôi tham gia góp vốn điều lệ vào một công ty với trị giá phần vốn góp là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên khi tôi góp vốn tôi đã góp thừa 4 tỷ đồng tức tôi góp 10 tỷ đồng. Đến nay, công ty yêu cầu tăng vốn điều lệ. Vì vậy, tôi muốn hỏi phần vốn góp thừa của tôi có được tính vào lần góp thêm này không ? Nếu không thì phải xử lý phần vốn thừa kia như thế nào.

Trả lời:

Khi bạn góp vốn vào công ty thì sẽ có phiếu thu tiền, công ty vào sổ sách kế toán, cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty cũng thể hiện số vốn góp của bạn. Cho nên nếu bạn góp thừa 4 tỷ thì đó là tài sản của riêng bạn và công ty phải có nghĩa vụ hoàn trả lại bạn theo quy định của Bộ luật dân sự

Nếu công ty yêu cầu tăng vốn thì đương nhiên bạn có thể dùng phần vốn góp thừa lần trước để góp cho lần này, nếu chưa đủ thì bạn góp thêm, nếu vẫn thừa thì bạn lấy về. Khi góp thêm vốn cũng phải có giấy nhận tiền của công ty. Để đơn giản thì yêu cầu công ty viết phiếu chi tiền cho bạn (trả lại số tiền góp thừa lần trước), sau đó bạn dùng tiền đó góp theo yêu cầu tăng thêm.

Câu hỏi 3: Công ty mình không sản xuất, mà chỉ mua và bán: bán buôn, không bán lẻ các mặt hàng đóng gói sẵn (cà phê G7, nước chấm chinsu,..). Mỗi lần mua và bán là bán buôn 1 xe tải, 1 containe,… chứ không bán lẻ. Nhưng vừa rồi bên mình bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và phạt vì không có giấy chứng nhận VSATTP và nhân viên không có giấy tập huấn VSATTP. Vậy cho tôi hỏi việc xử phạt như thế có đúng không? Và những đối tượng nào phải xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm?

Trả lời:

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về y tế đối với các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng minh được sản phẩm mình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì các cơ sở kinh doanh sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động. Tuy nhiên, trừ một số trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Công văn 3109/BCT-KHCN) bao gồm:

“a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

g) Nhà hàng trong khách sạn;

h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

i) Kinh doanh thức ăn đường phố;

k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.”

Đối với trường hợp của bạn, công ty bạn không sản xuất, mà chỉ mua và bán: bán buôn, không bán lẻ các mặt hàng đóng gói sẵn (cà phê G7, nước chấm chinsu,..) nên được xác định là kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn. Do đó, công ty không thuộc diện cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, việc xử phạt đối với công ty là chưa đúng với quy định của pháp luật.

Câu hỏi 4: Công ty tôi có tham gia góp vốn vào 34% vốn điều lệ để cùng Công ty B (33%) và Công ty C (33%) thành lập Công ty cổ phần D. Công ty tôi đã góp đủ vốn 34% vốn bằng tiền chuyển khoản. Tuy nhiên 2 công ty còn lại không thực hiện góp vốn. Người đại diện và chủ tịch HĐQT là người của Công ty B. Nhờ anh/chị tư vấn giúp thủ tục để cty chúng tôi hủy bỏ tư cách cổ đông của 2 cổ đông không chịu góp vốn và chuyển đổi công ty D thành công ty TNHH 1 thành viên.

Trả lời:

Thủ tục để công ty hủy bỏ tư cách cổ đông của 2 cổ đông:

Theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, khi hết hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh mà công ty B và công ty C không chịu thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Theo đó, bạn có quyền họp hội đồng quản trị để đưa ra yêu cầu chào bán phần, hoặc thay đổi vốn điều lệ của công ty. Nếu số lượng cổ đông không đủ 03 thành viên thì bạn phải đề đơn chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty TNHH 1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên.

Đồng thời bạn có thể họp hội đồng quản trị thay đổi người đại diện và chủ tịch hội đồng quản trị. Khi họp hội đồng quản trị thì người đại diện của công ty B và công ty C vẫn là cổ đông sáng lập của công ty nên vẫn có đầy đủ các quyền của cổ đông sáng lập. Trong trường hợp khi họp hội đông quản trị sau 90 ngày đăng kí kinh doanh mà công ty B và C chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ vốn thì công ty có quyền huy động người khác góp bù phần vốn góp. Và trong đại hội cổ đông thì người đại diện của công ty B và công ty C không có quyền biểu quyết trong việc thay đổi nhân sự,vốn,… của công ty.

Điều kiện chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH 1 thành viên:

– Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số thuế của công ty;

– Đại hội đồng cổ đông đồng ý về việc chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH 1 thành viên;

– Có giấy tờ pháp lý của thành viên mới và người đại diện theo pháp luật của công ty mới;

– Có đầy đủ hồ sơ về việc chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH 1 thành viên.

Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH 1 thành viên;

– Điều lệ công ty chuyển đổi;

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;

– Danh sách người đại diện và bản sao hợp lệ giấy CCCD, CMND,hộ chiếu  hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

– Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;

– Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.

Trình tự, thủ tục đăng chuyển đổi từ công ty cổ phần sang công ty TNHH 1 thành viên:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ về chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH 1 thành viên.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký doanh nghiệp- Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Kể từ ngày nhận hồ sơ và trong thời hạn ba ngày làm việc, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền trả kết quả.

Câu hỏi 5: Công ty em được thành lập vào tháng 03/2008. Hiện nay công ty muốn tăng vốn điều lệ của công ty lên. Trước đây các cổ đông sáng lập của công ty chỉ đóng góp 50% cổ phần, 50% cổ phần còn lại dự định bán ra bên ngoài nhưng chưa bán. Bây giờ, các cổ đông sáng lập của công ty muốn thay đổi tỷ lệ góp cổ phần (các cổ đông sáng lập giữ 100% cổ phần). vậy em cần làm những thủ tục gì, tống lệ phí bao nhiêu?

Trả lời:

Vốn điều lệ công ty Cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ Công ty Cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Trong quá trình hoạt động, dựa vào tình hình thực tế của Công ty mà Doanh nghiệp có thể thay đổi, tăng giảm vốn điều lệ, tỷ lệ góp cổ phần.

Đối với trường hợp của Công ty bạn, thì cần thực hiện hai thủ tục đó là: Thủ tục cập nhật bổ sung tỷ lệ cổ phần của Công ty từ 50% lên 100% và Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh về tăng vốn điều lệ. Cả hai thủ tục này, Công ty bạn có thể kết hợp cùng nộp hồ sơ một lần. Cụ thể như sau:

1. Các Hình thức tăng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần:

Công ty Cổ phần có thể tăng vốn điều lệ qua các hình thức sau đây:

– Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;

– Chào bán ra công chúng;

– Chào bán cổ phần riêng lẻ.

2. Hồ sơ tăng vốn điều lệ, cập nhật tỷ lệ vốn góp Doanh nghiệp:

Hồ sơ tăng vốn điều lệ và hồ sơ cập nhật tỷ lệ cổ phần gồm các giấy tờ sau:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ/ tỷ lệ cổ phần do các cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho nhau;

– Bản sao hợp lệ Biên bản họp của đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ/tỷ lệ cổ phần do các cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho nhau;

– Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả;

– Bản sao hợp lệ giấy tờ nhân thân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục;

– Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ phải có: Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị;

– Thông báo cập nhật, bổ sung nội dung đăng ký doanh nghiệp – Tỷ lệ cổ phần.

3. Trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần của Công ty Cổ phần:

– Người nộp hồ sơ sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn). Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh, văn bản ủy quyền phải có thông tin liên hệ của người ủy quyền để xác thực việc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

– Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

– Phòng Đăng ký kinh doanh cấp đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

4. Lệ phí khi thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần doanh nghiệp:

– Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần (Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp);

– Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần (Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp);

– Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử (Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp);

– Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

….Đang cập nhật !

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!