Tổng hợp các tình huống về pháp luật hình sự tháng 6/2022
Nội dung bài viết
- 1 Hiếp dâm người đã chết thì phạm tội gì?
- 2 Cố ý gây chấn thương trong thi đấu thể thao có bị truy tố không?
- 3 Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?
- 4 Có tiền sự có được xuất cảnh không?
- 5 Trách nhiệm khi gây tai nạn chết người nhưng không có lỗi
- 6 Phân biệt tội hành hạ người khác và tội hành hạ ông bà cha mẹ
- 7 Thế nào được coi là tình thế cấp thiết?
- 8 Dàn dựng bắt cóc để tống tiền thì phạm tội gì?
- 9 Người dưới 14 tuổi vận chuyển ma túy có bị xử lý không?
- 10 Người đủ 14 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm?
- 11 Đánh bài giải trí có bị phạt không?
- 12 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh
- 13 Tiền trúng lô đề có bị tính vào tổng số tiền đánh bạc không?
- 14 Ép người khác giết người phạm tội gì?
- 15 Miễn chấp hành hình phạt tù do lập công lớn
Hiếp dâm người đã chết thì phạm tội gì?
Ngày 5/6/2022, chị L đang đi trên đường X thì đột nhiên bị bệnh nhồi máu cơ tim và đột ngột chết tại chỗ. Thanh niên A đi qua đoạn đường X thấy chị L nằm ở đường nên có ý định quan hệ tình dục với chị L. Vậy trong trường hợp này, thanh niên A sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm hay tội xâm phạm thi thể mồ mả? Xin cảm ơn!
Trong tình huống này, việc cấu thành tội phạm đối với hành vi của anh A còn phụ thuộc vào động cơ, mục đích thực hiện hành vi của anh A về tình trạng của chị L tại thời điểm đó, anh A đã biết rõ là L đã chết hay chưa, cụ thể:
Tại Điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội hiếp dâm như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Tại Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội xâm phạm thi thể, mổ mả, hài cốt như sau: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, nếu anh A đã thực hiện hành vi cụ thể nhằm giao cấu với chị L nhưng không biết chị L đã chết thì có dấu hiệu của tội hiếp dâm. Còn nếu anh A đã thực hiện hành vi cụ thể nhằm giao cấu với chị L đồng thời đã biết chị L đã chết thì có dấu hiệu của tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Trường hợp, anh A mới chỉ có ý định nhưng chưa có hành vi cụ thể nhằm giao cấu với chị L thì hành vi của anh A chưa cấu thành tội phạm.
Cố ý gây chấn thương trong thi đấu thể thao có bị truy tố không?
Ngày 15/6/2022, tôi có tham gia giải bóng đá vô địch quốc gia. Trong quá trình tham gia giải đấu, tôi có bị một số cầu thủ đội bạn vào bóng ác ý dẫn đến gẫy chân. Vậy trong trường hợp này, tôi có thể yêu cầu khởi tố hình sự đối với hành vi trên không? Xin cảm ơn!
Việc xác định hành vi của cầu thủ đội bạn va chạm dẫn đến hậu quả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào động cơ và mục đích của cầu thủ đó. Nếu trong trường hợp người gây ra thương tích cho bạn có động cơ, mục đích, cố ý gây thương tích cho bạn và đã có hành vi khiến cho bạn bị gẫy chân thì có dấu hiệu và có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, bạn có thể làm đơn yêu cầu Cơ quan điều tra cấp có thẩm quyền khởi tố theo yêu cầu để xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?
Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì sẽ bị xử lý như thế nào? Có bị truy tố tại Việt Nam và phải chấp hành hình phạt tù ở Việt Nam hay không? Nếu trục xuất họ về nước thì về nước họ có bị xử phạt tù sau khi trục xuất không? Có thể yêu cầu họ bồi thường dân sự do hành vi phạm tội gây ra ở Việt Nam không? Xin cảm ơn!
Tại Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội (bao gồm cả Người nước ngoài) thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoại trừ các trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì mọi trường hợp khác, nếu người nước ngoài có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật tại Việt Nam. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi mà người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam sẽ bị các hình thức xử lý khác nhau. Trong đó, một trong những hình phạt đặc thù nhất là “trục xuất”.
Theo Điều 37 Bộ luật Hình sự quy định “trục xuất” là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. Tùy vào pháp luật của từng Quốc gia và các hiệp định tương trợ tư pháp mà xác định bản án do Tòa án Việt Nam có hiệu lực trên Quốc gia của Người nước ngoài có Quốc tịch hay không.
Như vậy, nếu không có các hiệp định được ký kết giữa Việt Nam và Quốc gia mà Người nước ngoài có Quốc tịch hoặc Pháp luật nước đó không quy định về vấn đề công nhận bản án của Việt Nam trên Quốc gia họ thì bản án này sẽ không có hiệu lực trên Quốc gia họ. Điều đó đồng nghĩa là với Người nước ngoài không phải chịu trách nhiệm (Hình sự và bồi thường dân sự) khi ở Quốc gia của họ đối với bản án tại Việt Nam và ngược lại.
Có tiền sự có được xuất cảnh không?
Vào tháng 5/2022 tôi có bị bắt về tội sử dụng ma túy và đã bị xử phạt hành chính. Tôi đã chấp hành xong quyết định xử phạt. Theo tôi được biết thì tôi đang bị tiền sự. Vậy xin hỏi, nếu tháng 11 này tôi xuất cảnh ra nước ngoài để thăm bà con tôi định cư bên đó thì tôi có được phép xuất cảnh không? Mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!
Tại Điều 33 Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định về điều kiện xuất cảnh. Theo đó, công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện:
Điều 33. Điều kiện xuất cảnh
- Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
- b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
- c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
- Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Bên cạnh đó, Điều 36 Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 cũng quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Như vậy, xét thấy bạn không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 36 nên nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện xuất cảnh được quy định tại Điều 33 thì bạn vẫn được xuất cảnh bình thường.
Trách nhiệm khi gây tai nạn chết người nhưng không có lỗi
Vào tháng 5/2022, tôi có lái xe ô tô tải vận chuyển hàng đến tỉnh Bắc Giang. Vào lúc 22h đêm, tôi có đỗ xe trong khu công nghiệp Bắc Giang do xe bị hỏng. Tôi có bật tín hiệu đèn báo khi dừng đỗ xe. Ngay lúc đó, anh A đi xe máy trong tình trạng say rượu đã tông thẳng vào xe ô tô và tử vong tại chỗ. Sau sự việc, gia đình tôi có lên nhà anh A để hòa giải và đã bồi thường 100 triệu đồng. Vậy trong trường hợp này tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Xin cảm ơn!
Trước hết phải xác định đến việc có hay không có yếu tố lỗi trong hành vi của bạn. Việc bạn dừng, đỗ xe trên đường phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ về Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và việc lưu thông trên đường cũng phải đảm bảo đúng với quy định của Luật giao thông đường bộ. Trong câu hỏi của mình thì bạn chỉ nêu rằng có bật tín hiệu đèn báo khi dừng xe nhưng không cung cấp thêm thông tin gì khác như việc có đỗ xe ở nơi được phép dừng đỗ không? hay có đặt biển báo nguy hiểm trước và sau xe không? Do đó chưa thể kết luận được hành vi dừng, đỗ xe của bạn có yếu tố lỗi trong đó hay là không
Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều tra cho ra kết quả không có yếu tố lỗi, bạn đáp ứng đủ điều kiện dừng đỗ xe theo luật định thì bạn sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hình sự nào đối với sự việc nêu trên. Ngược lại, nếu trường hợp xác minh được sự việc trên có yếu tố lỗi của bạn thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự. Mức hình phạt cho tội này có thể là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc khung hình phạt nặng nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Phân biệt tội hành hạ người khác và tội hành hạ ông bà cha mẹ
Ngày 1/1/2022, tôi và anh A có chung sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn. Trong quá trình sinh sống, tôi có sinh được cháu B. Trong khoảng thời gian chung sống, tôi và con thường xuyên bị chồng đánh đáp và xúc phạm danh dự nhân phẩm. Vậy tôi có thể yêu cầu khởi tố anh A về tội hành hạ người khác hay tội hành hạ, ngược đãi vợ chồng?
Tội hành hạ người khác và tội hành hạ ông bà cha mẹ là 2 tội pham khác nhau, yếu tố cấu thành tội phạm cũng khác nhau. Cụ thể:
- Tội hành hạ người khác được quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự. Người phạm Tội hành hạ người khác là người mà có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình, tuy nhiên hành vi đối xử tàn ác chưa đến mức nghiệm trọng để cấu thành Tội cố ý gây thương tích.
Việc hành hạ có thể hiểu là gây ra những sự tổn hại về thể xác và tinh thần, thường là diễn ra liên tục và trogn một khoảng thời gian nhất định. Trong tội phạm này thì người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội và giữa hai người không có quan hệ hôn nhân hay huyết thống
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự. Về hành vi phạm tội thì cũng gần giống với Tội hành hạ người khác, tuy nhiên, trong tội này thì giữa người phạm tội và người bị hại có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống với nhau hoặc là người có công nuôi dưỡng.
Như vậy, để có thế xác định được hành vi cũng như mức độ phạm tội thì cần có sự vào cuộc xác minh của cơ quan chức năng và từ đó xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế nào được coi là tình thế cấp thiết?
Ngày 24/5/2022, tôi có điều khiển xe ô tô tải trên quãng đường từ Thanh Hóa đến Nghệ An. Trong quá trình tôi đổ đèo thì xe bị mất phanh và lao xuống với tốc độ rất là nhanh. Lòng đường chỉ rông có 5 m và phân ra 2 làn. Khi tôi đang đổ đèo tự do thì gặp 1 người đứng ở làn đường thứ nhất và 10 người đứng ở làn đường thứ hai. Do không muốn đâm chết 10 người ở làn đường thứ hai nên tôi đã chạy xe đâm vào người đứng ở làn đường thứ nhất. Vậy trong trường hợp này tôi có bị phạm tội không? Xin cảm ơn!
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Bộ Luật hình sự Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Trong trường hợp này của bạn, để có thể được áp dụng là tình thế cấp thiết khi chứng minh được ít nhất hai điều kiện: Sự kiện xe đổ đèo mất kiểm soát là do bị mất phanh, hoàn toàn do lỗi kỹ thuật chứ không phải do bạn vi phạm quy định về an toàn giao thông gây nên hoặc trong tình huống đó bạn không có lựa chọn nào khác để hạn chế tối đa thiệt hại nên bạn đã lựa chọn phương án gây thiệt hại nhỏ hơn lựa chọn còn lại
Như vậy, nếu bạn chứng minh được các điều kiện nêu trên và được cơ quan có thẩm quyền xác định là Tình thế cấp thiết thì trong trường hợp này bạn không phạm tội, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dàn dựng bắt cóc để tống tiền thì phạm tội gì?
Ngày 25/5/2022, tôi có thỏa thuận với anh A về việc anh A sẽ đóng giả cướp bắt cóc tôi để đòi tiền chuộc từ ba mẹ tôi. Ngày 26/5/2021, anh A bị công an bắt và bị viện kiểm sát truy tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vậy trong trường hợp này, việc viện kiểm sát truy tố anh A về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là đúng hay sai? Xin cảm ơn!
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ Luật hình sự. Hành vi này có thể được hiểu là việc bắt, giữ người khác làm con tin, được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp cho mình tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ.
Như vậy, có thể hiểu người bị bắt cóc phải bị dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác khiến bản thân bị khống chế không thể thoát thân được và hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người thực hiện hành vi phạm tội.Tuy nhiên, trong trư ờng hợp này, thì do bạn và người đó bàn với nhau về việc bắt cóc giả mà không hề có bất cứ dấu hiệu dùng vũ lực hay thủ đoàn nào nhằm bắt, giữ ngưởi trái pháp luật nên việc người đó bị truy tố về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là không đúng, chưa thực sự phù hợp với quy định của pháp luật.
Người dưới 14 tuổi vận chuyển ma túy có bị xử lý không?
Tôi năm nay 11 tuổi đang cư trú ở huyện X. Vào ngày 26/5/2022, tôi được một người lạ mặt nhờ vận chuyển ma túy từ địa điểm A đến địa điểm B. Trong quá trình vận chuyển, tôi bị công an bắt. Vậy trong trường hợp này tôi sẽ xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Xin cảm ơn!
Căn cứ tại khoản 1 điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vận chuyển trái phép chất ma túy như sau:
“1. Người nào vận chuyển tráu phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua ban, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ 02 năm đến 07 năm:
- Đã bị xừ phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- …
Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:
“1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổiphải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Như vậy, bạn hiện nay đang 11 tuổi (dưới 14 tuổi) có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy theo khối lượng luật định cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính.
Người đủ 14 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm?
Bạn A hiện đang 14 tuổi thực hiện hành vi hiếp dâm chị B 19 tuổi. Do chị B này người nhỏ con nên không thể chống cự lại hành vi của A. Vậy trong trường hợp này, bạn A có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm không và chị B có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi không? Xin cảm ơn!
Căn cứ theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vây, trên cơ bản theo quy định của pháp luật thì thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, theo như quy định A được xem là người từ đủ 14 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, trong đó có tội hiếp dâm.
Đánh bài giải trí có bị phạt không?
Đợt dịch covid lần này, tôi qua nhà người hàng xóm và chơi bài tiến lên với số tiền mỗi người chỉ 500.000 đồng. Đang chơi thì công an xã đến lập biên bản và xử phạt mỗi người 1.500.000 đồng, họ cũng nói rằng hành vi của chúng tôi có thể bị đi tù. Cho tôi hỏi công an nói như vậy có đúng không? Chỉ chơi bài giải trí thôi mà cũng có thể bị đi tù sao? Xin cảm ơn!
Căn cứ theo quy định tại điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
“Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:
a) Làm chủ lô, đề;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;
c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;
d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.”
Như vậy, theo những thông tin bạn cung cấp thì bạn qua nhà hàng xóm chơi đánh bài tiến lên với số tiền mỗi người chỉ 500.000 đồng. Số tiền này chưa đủ để cấu thành tội đánh bạc theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, hành vi của bạn là chơi bài tiến lên 13 lá với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật. Do đó, việc công an xã đến lập biên bản và xử phạt mỗi người 1.500.000 đồng là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, của Chính phủ.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh
Việc buôn bán, sản xuất thuốc điều trị COVID giả bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành ạ? Xin cảm ơn!
Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh hoặc buôn bán, sản xuất thuốc điều trị Covid 19 giả thì túy theo tính chất, mức độ thực hiện hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức hình phạt tù từ 02 năm đến tử hình, tùy thuộc vào mức độ thực hiện hành vi phạm tội mà áp dụng mức hình phạt tương xứ. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Trường hợp phạm tội quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tiền trúng lô đề có bị tính vào tổng số tiền đánh bạc không?
Tôi ghi đề là 4.000.000 đồng, và đến lúc có kết quả thì tôi bị bắt và lúc đó tôi biết được mình trúng được 28.000.000 đồng thì số tiền đó có cộng vào tiền tôi chơi lô không? Xin cảm ơn!
Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 06/12/2010 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Nghị quyết số 01 đã hết hiệu lực từ ngày 08/10/2021 và hiện nay chưa có văn bản thay thế. Theo đó, trong trường hợp trên có thể áp dụng cách hiểu về việc xác định tổng số tiền của người chơi đề theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01 như sau:
“5. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… như sau:
5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc
- a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.
Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa… và B đã trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + (60.000 đồng × 70 lần) = 4.300.000 đồng.”
Theo đó, trong trường hợp của bạn thì bạn bị cơ quan chức năng phát hiện khi đã có kết quả mở thưởng và bạn trúng thưởng với số tiền là 28.000.000 đồng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tổng số tiền chơi lô đề của bạn là tổng số tiền mà bạn đã bỏ ra để mua số đề cộng với số tiền thực tế mà bạn được nhận từ chủ đề, chủ cá độ. Như vậy, số tiền bạn chơi lô đề là: 4.000.000 đồng + 28.000.000 đồng = 32.000.000 đồng.
Với số tiền chơi lô đề nêu trên thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đánh bạc” được quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo đó, bạn có thể phải chịu mức hình phạt từ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ép người khác giết người phạm tội gì?
Ngày 19/4/2022, tôi, vợ và con tôi bị anh A bắt cóc và nhốt vào một khu nhà bỏ hoang. Anh A có yêu cầu tôi giết vợ tôi nếu không anh A sẽ giết con tôi. Trong tình thế bị ép buộc như vậy, tôi buộc phải giết vợ tôi. Vậy trong trường hợp trên, tôi hay anh A sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người? Xin cảm ơn!
Tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội giết người như sau:
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì do bạn bị tên bắt cóc ép giết vợ của mình nếu không giết thì họ sẽ giết con của bạn nên bạn buộc phải giết vợ mình. Tuy nhiên, trong trường hợp không đủ căn cứ để xác định bạn hoàn toàn không có lựa chọn khác. Trong khi bạn có điều kiện để giết một người thì hoàn toàn có điều kiện để phản kháng lại đối tượng A hoặc đưa ra một lựa chọn khác. Vì vậy, hành vi giết người của bạn không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi của bạn thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành của “Tội giết người” được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trong đó bạn thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.” Còn tên bắt cóc A cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với vai trò đồng phạm, cụ thể là người chủ mưu, cầm đầu.
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, cả bạn và anh A đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Miễn chấp hành hình phạt tù do lập công lớn
Ngày 31/6/2022, tôi có trộm cắp tài sản ở nhà anh A với giá trị là 500 triệu đồng. Trên đường tẩu thoát từ nhà anh A, tôi có gặp 5 đứa trẻ đang kêu cứu ở sông. Tôi liền nhảy xuống và cứu thoát được 5 đứa trẻ. Sau đó, tôi bị cơ quan công an bắt và khởi tố hình sự về tội trộm cắp tài sản. Vậy trong trường hợp này, tôi có được miễn chấp hành hình phạt tù do đã lập công lớn không? Tôi có thể bị xử lý như thế nào? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về miễn chấp hành hình phạt như sau: “3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nêu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.”
Theo đó, người bị kết án phạt từ có thời hạn trên 03 năm được miễn chấp hành hình phạt khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Chưa chấp hành hình phạt tù;
- Lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;
- Người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Phải được Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án đề nghị bằng văn bản về việc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Xét trong trường hợp của bạn thì do bạn đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với số tiền là 500.000.000 đồng nên bạn sẽ bị cơ quan công an khởi tố về “Tội trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, bạn phải chịu mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì trường hợp của bạn sẽ được miễn chấp hành hình phạt khi thỏa mãn được các điều kiện sau đây:
- Bạn chưa chấp hành hình phạt tù;
- Bạn phải lập công lớn theo quy định tại điểm a khoản 2.1 Điều 2 của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (có hiệu lực từ ngày 03/11/2007 – hết hiệu lực ngày 08/10/2021 nhưng chưa có văn bản thay thế) đã giải thích “Lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.” Theo đó, trường hợp bạn nhảy xuống sông cứu được 05 em nhỏ vào ngày 31/06/2022 có thể được xem xét thuộc trường hợp lập công lớn theo quy định trên.
- Bạn không còn nguy hiểm cho xã hội theo quy định tại điểm b khoản 2.1 Điều 2 của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định: “b) Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội, được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội… hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo không còn hoạt động được…” Theo đó, bạn phải chứng minh, thể hiện tốt thái độ ăn năn hối cải, đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn và tham gia các hoạt động xã hội … thì bạn mới được xem xét miễn chấp hành hình phạt theo quy định pháp luật.
- Bạn phải được Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án đề nghị bằng văn bản về việc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Như vậy, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì bạn mới được xem xét miễn chấp hành hình phạt tù theo quy định pháp luật. Trường hợp bạn không đáp ứng được điều kiện trên thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 4 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù. Ngoài ra, bạn còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS
Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS
Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…
Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp
Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.
Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....
Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ
Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
- Địa chỉ: Số 10, ngõ 76 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 0984.769.278
- Email: info.tgslaw@gmail.com
- Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!