Tổng hợp các câu hỏi về ly hôn, quyền nuôi con và chia tài sản tháng 5/2022

Nội dung bài viết

Câu hỏi 1: Chị dâu em bỏ đi đến này đã 4 năm, không liên lạc với anh trai em. Vậy mà ngày 8 tháng 2 vừa rồi bà về kiện anh lên toà án với nội dung là ly hôn tranh chấp nuôi con chung và bắt anh phải trợ cấp tiền nuôi dưỡng trong khi anh không có công việc ổn định và anh không làm việc gì sai trái trong hôn nhân không bạo lực. Vậy anh trai em phải giải quyết như thế nào ạ ?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên: “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Như vậy, hai vợ chồng anh chị bạn với hôn nhân hợp pháp thì chị dâu bạn vẫn có thể gửi đơn đến Toà án nhân dân cấp huyện nơi anh bạn cư trú, làm việc để yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương với lý do là anh bạn vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Khoản 1 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”

Theo đó, anh của bạn vẫn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn. Mức trợ cấp nuôi con mà anh bạn có nghĩa vụ sẽ được Toà án quyết định dựa trên hoàn cảnh và điều kiện của anh bạn.

Câu hỏi 2: Em và ck đã ly hôn, trước khi ly hôn ck em bắt ký vào tờ giấy chia nợ thì mới đồng ý ly hôn (sau khi ra tòa em cầm tờ giấy quyết định ly hôn thì phần ở tài sản và chia nợ tòa ghi là 2 bên không cần tòa giải quyết) mà nợ nần đều là do ck em đứng lên vay mượn và ký, giờ bắt em về nhận nợ và ký giấy nhận nợ với họ, em bảo là em không kí bất kì cái gì nữa em nhận thì em trả chứ em không kí. Vậy mọi người cho em hỏi là giờ khoản nợ mà ck em đứng lên vay mượn, giờ em bảo không trả có được không ạ?

Trả lời:

Tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Theo đó, các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân do vợ chồng bạn cùng thỏa thuận xác lập hoặc chồng bạn tự mình thực hiện xác lập giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì khi ly hôn vợ chồng bạn cùng có nghĩa vụ chung để trả số nợ nêu trên.

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên để xác định bạn có nghĩa vụ trả các khoản nợ do chồng bạn vay hay không thì sẽ có 02 trường hợp xảy ra như sau:

– Trường hợp chứng minh được các khoản nợ mà chồng bạn đã vay trong thời kỳ hôn nhân là nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc vì mục đích kinh doanh nhằm đóng góp, xây dựng khối tài sản chung của vợ chồng thì bạn có trách nhiệm liên đới cùng chồng cũ trả các khoản nợ đó. Trường hợp bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì chồng cũ của bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu chia tài sản chung và công nợ sau ly hôn theo quy định pháp luật.

– Trường hợp bạn chứng minh được các khoản nợ do chồng bạn đứng lên vay không nhằm mục đích phục vụ chung cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình mà chồng bạn sử dụng khoản tiền vay này vào mục đích cá nhân thì bạn không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đó cùng với chồng cũ của bạn.

Câu hỏi 3: Tôi và chồng kết hôn được 5 năm, nhưng do đến thời điểm này cả 2 không còn còn tình cảm nữa nên muốn ly hôn, 2 vợ chồng đều đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, có một vấn đề đó là khoản nợ trước đây chồng tôi có vay để đầu tư làm ăn nhưng lại bị thua lỗ thì Luật sư cho tôi hỏi khoản nợ chung này giải quyết như thế nào khi ly hôn, khoản tiền này là do chồng tôi đứng ra vay, tôi có phải trả cùng không  ạ?

Trả lời:

Tại Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại điều 37 của Luật này.”

Tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì trong thời kỳ hôn nhân chồng bạn có vay một khoản tiền để đầu tư làm ăn kinh doanh nhưng bị thua lỗ nên trường hợp này được xác định chồng bạn thực hiện giao dịch là nhằm đóng góp, xây dựng khối tài sản chung của hai vợ chồng. Theo đó, khi ly hôn thì vợ chồng bạn có trách nhiệm liên đới cùng nhau thanh toán khoản nợ chung đó. Nếu các bạn không thỏa thuận được thì khi giải quyết ly hôn tại Tòa án, thông thường khoản nợ chung trên sẽ được chia đôi, mỗi người có trách nhiệm trả 1 nửa.

Câu hỏi 4: Em với chồng cũ ly hôn được 1 năm, em có 1 đứa con chung tòa xử em trực tiếp nuôi dưỡng, bố trợ cấp 1tr/ tháng. Nhưng hơn 1 năm nay bố không trợ cấp cũng không hỏi thăm con, em cũng không đòi hỏi. Tuy nhiên ngày hôm qua 15/5 chồng cũ cùng mẹ chồng cũ có đưa thêm mấy người lạ mặt tự ý xông vào nhà em lợi dụng quyền thăm nom con chung đòi đưa con em đi trong lúc em không có nhà. Gia đình em phải nhờ công an đến làm việc trong lúc chờ em về giải quyết. Các anh chị có thể tư vấn giúp em có cách gì để có thể hạn chế quyền thăm nom của chồng cũ vì ban ngày em phải đi làm chỉ có bố mẹ em ở nhà nếu lần sau nhà chồng cũ kéo đông người hơn đến bắt con em có thể sẽ không giữ được.

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Theo đó, bạn không có quyền ngăn cấm, cản trở việc thăm nom con của chồng cũ bạn. Tuy nhiên, nếu chồng cũ của bạn lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng cũ bạn.

Trình tự, thủ tục để yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con là:

Bước 1: Bạn cần chuẩn bị 01 hồ sơ khởi kiện để nộp tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nơi chồng bạn đang cư trú hoặc làm việc.

Hồ sơ khởi kiện gồm:

– Đơn khởi kiện;

– Quyết định/Bản án ly hôn của vợ chồng bạn (Bản sao);

– CMND/CCCD/Hộ chiếu và Sổ hộ khẩu của bạn (Bản sao);

– Tài liệu, chứng cứ chứng minh chồng cũ bạn có hành vi lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thông qua các video, hình ảnh.

Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 08 ngày làm việc Toà án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Khi đó, bạn sẽ tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp biên lai cho Tòa án để thụ lý vụ án.

Bước 3: Tòa án triệu tập lấy lời khai và tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật. Thời gian giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương là từ 4-6 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án.

Câu hỏi 5: Em muốn làm ly hôn đơn phương thì cần phải chuẩn bị những thủ tục gì ạ, những giấy tờ đó mình lấy ở đâu ạ? Có nhất thiết là người chồng phải kí tên không?

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Theo đó, nếu có các căn cứ ly hôn theo quy định trên thì bạn có quyền làm thủ tục ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền mà không cần có chữ ký của chồng bạn trong đơn khởi kiện. Trình tự, thủ tục như sau:

Bước 1: Bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ ly hôn đơn phương để nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú và làm việc.

Hồ sơ khởi kiện ly hôn đơn phương bao gồm:

Đơn ly hôn đơn phương theo mẫu(Download và xem hướng dẫn làm đơn TẠI ĐÂY);

– CMND/CCCD và sổ hộ khẩu của bạn (bản sao chứng thực);

– Giấy đăng ký kết hôn (bản gốc);

– Giấy khai sinh của con bạn (bản sao chứng thực);

– Tài liệu chứng minh việc việc ly hôn là có căn cứ;

– Tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản chung của vợ chồng bạn (nếu có);

Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 08 ngày làm việc Toà án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Khi đó, bạn sẽ tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp biên lai cho Tòa án để thụ lý vụ án.

Bước 3: Tòa án triệu tập lấy lời khai và tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật. Thời gian giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương là từ 4-6 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án.

Câu hỏi 6: Hôm nay toà hẹn e và chồng cùng lên toà lúc e nộp đơn ly hôn đơn phương có kèm tờ không hoà giải, nay lên thì chồng em không chịu ký và nói là vẫn còn tình cảm (trong suốt thời gian e mang bầu và sanh con tới nay được 10 tháng a ta không hề quan tâm tới 2 mẹ con em và ly thân đã hơn 1 năm) chị thẩm phán cũng khuyên e nên quay lại cho chồng 1 cơ hội nhưng e đã áp lực hôn nhân này. Nên em muốn hỏi là nếu chồng không đồng ý ly hôn và lên toà lần 1 đang trong giai đoạn hoà giải thì khoảng bao lâu e mới được triệu tập lần 2 lên bao nhiêu lần nữa và toà có xét xử ly hôn cho em không ạ

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Theo đó, nếu bạn có các căn cứ chứng minh yêu cầu ly hôn theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể tiến hành ly hôn đơn phương với chồng bạn tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.

Pháp luật hiện hành chỉ quy định thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc khi giải quyết vụ án nhưng không quy định cụ thể về số lần tiến hành hòa giải. Tùy theo tính chất, mức độ, mà Tòa án quyết định số lần tiến hành hòa giải, tuy nhiên, thông thường sẽ tiến hành hòa giải 2-3 lần. Ngoài ra, việc hòa giải còn phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các đương sự. Nếu chồng bạn đã được Tòa án triệu tập lần hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Khi không tiến hành hòa giải được thì Tòa án sẽ đưa ra án ra xét xử theo quy định pháp luật.

Thông thường vụ án ly hôn đơn phương sẽ có thời gian giải quyết là từ 4-6 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án.

Câu hỏi 7: Bé nhà em đang 4 tháng chưa làm giấy khai sinh mà vợ chồng em lục đục thì nếu li hôn đơn phương thì bé có được theo họ mẹ và theo mẹ không ạ?

Trả lời:

1. Về việc mang theo họ mẹ:

Tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”.

Theo đó, con bạn có thể mang theo họ mẹ nếu vợ chồng bạn thỏa thuận được. Nếu vợ chồng không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì trường hợp này sẽ áp dụng tập quán nơi đứa trẻ sinh ra. Nếu tập quán nơi bạn sinh sống quy định con phải mang họ theo họ cha thì con bạn mang họ cha, còn quy định theo họ mẹ thì con bạn có quyền mang theo họ mẹ.

2. Việc nuôi con khi ly hôn:

Tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn quy định:

“Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, bé nhà bạn hiện mới được 4 tháng tuổi thì khi ly hôn thì bé sẽ được giao cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng và giáo dục bé hoặc hai vợ chồng bạn có thoả thuận khác.

Câu hỏi 8: Em lấy ck từ năm 2019, sinh con từ năm 2020. Mà từ ngày bầu bì sinh con tới giờ ck em ăn chơi, không gửi tiền nuôi con, một mình em sinh nuôi con lớn tới bây giờ (em ở ngoại). Bọn em có giấy đkkh nhưng em chưa tách khẩu về nhà chồng. Em và con đang ở khẩu nhà ngoại. Mà hồi tết thấy đăng FB kiểu như có bồ. Giờ em muốn đơn phương li hôn thì có được không, và cần những giấy tờ gì. Mong được mọi người giúp đỡ ạ.

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên:

“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Như vậy, nếu bạn có thể cung cấp các chứng cứ chứng minh việc chồng bạn ngoại tình, vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng thì có thể yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn đơn phương theo quy định pháp luật.

Hồ sơ đề nghị giải quyết ly hôn đơn phương bao gồm những giấy tờ sau:

– Đơn ly hôn (theo mẫu);

– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

– Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu và sổ hộ khẩu của bạn và chồng bạn;

– Bản sao Giấy khai sinh của con;

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh về tài sản chung của 02 vợ chồng mà bạn muốn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Câu hỏi 9: Mình và chồng đang muốn làm thủ tục ly hôn. Nhưng phần tài sản sau kết hôn mình đóng góp gấp nhiều lần chồng. Vậy thì có cách nào để sau ly hôn mình được pháp luật chia tài sản nhiều hơn chồng để mình đỡ thiệt thòi ko ạ? Rất mong nhận được tư vấn.

Trả lời:

Tại điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp quy định về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

“4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.”

Theo đó, trường hợp 02 bạn không thỏa thuận về chế độ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì về nguyên tắc khi giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án sẽ chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là người có công sức đóng góp nhiều hơn chồng bạn trong việc tạo dựng nên khối tài sản chung của 02 vợ chồng nên khi tiến hành chia tài sản chung của 02 vợ chồng thì Tòa án sẽ căn cứ vào yếu tố này để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng bạn được chia là bao nhiêu để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bạn phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bạn có đóng góp nhiều hơn chồng bạn trong việc tạo dựng khối tài sản như: văn bản xác nhận bảng lương, …

Câu hỏi 10: Em có làm thủ tục đăng kí kết hôn với người Hàn tại VN. Em và chồng e quen nhau qua môi giới, tuy nhiên do rào cản ngôn ngữ và văn hoá nên chia tay trong hoà bình không bạo lực. Hiện tại e có giấy đăng kí kết hôn (2019) +cmnd photo +hộ chiếu bản photo, và ck e hiện không có mặt tại VN. Vậy giờ em muốn làm thủ tục ly hôn thì cần những thông tin gì, hay giấy tờ liên quan gì ?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về ly hôn có yếu tố nước ngoài:

“Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.”

Theo khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Để thực hiện việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ ly hôn bao gồm:

– Đơn ly hôn (theo mẫu);

– Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

– CMND/CCCD/Hộ chiếu và sổ hộ khẩu của hai bên (bản sao chứng thực).

– Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có).

– Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

– Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có).

Lưu ý: Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại Tòa.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!