Tổng hợp các tình huống về pháp luật hình sự tháng 5/2022

Nội dung bài viết

Quay trộm người khác đăng lên Tiktok bị xử lý hình sự không?

Hành vi quay lén là một người sử dụng một hoặc nhiều phương tiện (camera; máy điện thoại; máy quay…) có công dụng ghi hình để quay một người khác khi chưa được sự cho phép của người bị quay. Mặc dù hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi quay lén. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở thực tiễn được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì mỗi cá nhân điều có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Do đó, hành vi quay trộm người khác đăng lên mạng xã hội (tiktok) khi chưa được sự đồng ý của người đó mà việc đăng lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác thì tùy theo tính chất, mức độ thực hiện hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, để có căn cứ xem xét về trách nhiệm hình sự đối với hành vi quay lén người khác cần căn cứ vào mục đích, tính chất; mức độ của hành vi, cụ thể.

  • Nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh; thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục; xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự; làm giảm uy tín của cá nhân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 02 năm.
  • Nếu người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Như vậy, dù người quay lén hay như nào đi chăm nữa nhưng việc sử dụng hình ảnh, video đó còn tùy thuộc vào ý chí, mục đích của từng cá nhân, nếu cố tình sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Xúi giục người khác lừa đảo có bị xử lý hình sự?

Xúi giục phạm tội là cố ý tác động đến người khác nhằm thúc đẩy họ phạm tội. Xúi giục phạm tội có thể là nhằm làm người khác nảy sinh ý định phạm tội và thúc đẩy họ thực hiện tội phạm đó hoặc chỉ nhằm thúc đẩy người khác thực hiện ý định phạm tội đã có.

Tại Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về đồng phạm thì người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức thuộc trường hợp: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm”. Theo đó, người xúi giục là người tác động đến tư tưởng người khác bằng thủ đoạn kích động, dụ dỗ, thúc đẩy khiến người này hình thành ý định phạm tội là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do mình gây ra.

Mặc dù, người xúi giục không trực tiếp thực hiện tội phạm nhưng có thể bị xem là đồng phạm trong trường hợp này và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cùng một tội danh. Tuy nhiên, hành vi xúi dục phải cụ thể, tức là người xúi dục phải nhằm vào tội phạm cụ thể và người phạm tội cụ thể. Nếu chỉ có lời nói có tính chất thông báo hoặc gợi ý chung chung thì không phải là người xúi dục và không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm. Do đó, cần phải xem xét cụ thể tình huống để xác định việc xúi dục có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.

Như thế nào là mua bán trẻ con trái phép?

Hành vi mua bán trẻ con được hiểu là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi trẻ con như việc mua hàng hóa, nhằm mục đích mua bán trẻ em vì động cơ vụ lợi.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về việc mua bán trẻ con. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 11/01/2019 thì việc mua bán trẻ con được hiểu là hành vi mua bán người dưới 16 tuổi là những hành vi sau:

“2. Mua bán người dưới 16 tuổi là thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

c) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

d) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.”

Theo quy định của pháp luật, việc mua bán trẻ em, dù là mua để làm con nuôi là trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt tù từ 07 năm đến đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy thuộc vào tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, có thể thấy đây là loại tội phạm thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, đã trực tiếp xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em nhằm mục đích mua bán trẻ em vì động cơ vụ lợi. Do đó, người nào có hành vi mua bán trẻ con thì tùy theo tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Khi nào công an có quyền yêu cầu người dân đi giám định thương tật?

Pháp luật hiện hành có quy định rất đầy đủ về trách nhiệm pháp lý đối với các vụ án cố ý gây thương tích, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ án gây thương tích phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật của bên bị hại.

Tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”. Theo đó, đối với tội cố ý gây thương tích mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 thì khi đó phải có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại mới tiến hành khởi tố vụ án.

Đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền có quyền trưng cầu giám định trong các trường hợp sau:

  • Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
  • Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
  • Nguyên nhân chết người;
  • Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
  • Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
  • Mức độ ô nhiễm môi trường.

Như vậy, đối với tội cố ý gây thương tích thuộc các khoản còn lại thì không cần có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại cơ quan sẽ tiến hành xác minh tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ. Để xác định được tội phạm cơ quan có thẩm quyền trước hết phải giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bạn để làm căn cứ giải quyết, nhằm không bỏ lọt tội phạm. Việc cơ quan công an ra quyết định trưng cầu giám định trong khi bạn không có đơn yêu cầu là đúng quy định pháp luật.

Bị bệnh tâm thần mà gây thương tích cho người khác thì có được coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Người tâm thần được hiểu là những người có tâm lý hoặc hành vi cá biệt được cho là gây ra đau khổ, mất khả năng cư xử cũng như phát triển bình thường. Tuy nhiên, để khẳng định một người có bị tâm thần hay không thì quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần kết luận người đó bị bệnh tâm thần thì Tòa án sẽ ra quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Do đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, tùy vào thời điểm nào người phạm tội bị tâm thần thì sẽ phải truy cứu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Về trách nhiệm dân sự thì khi bị người tâm thần “đánh” gây thương tích gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người giám hộ cho người bị tâm thần không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Trường hợp, người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.

Cướp tài sản giá trị bao nhiêu thì bị khởi tố?

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ Luật Hình sự như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm “. Cũng theo như Điều luật trên thì giá trị tài sản chiếm đoạt được chỉ làm tăng mức hình phạt của hành vi Cướp tài sản

Như vậy, Tội Cướp tài sản không phụ thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt được là bao nhiêu mà phải xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi để xác định hành vi có bị khởi tố hay không

Đang hưởng án treo có được thay đổi nơi cư trú không?

Theo quy định tai Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì trường hợp người được hưởng án treo lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú thì phải làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Đồng thời, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 64/2019/TT-BCA thì người được hưởng án treo được xem xét, giải quyết thay đổi nơi cứ trú nếu đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về cư trú.
  • Có lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú, thuộc một trong các trường hợp sau:
  • Đang sinh sống cùng gia đình mà gia đình chuyển cư trú sang nơi khác;
  • Chuyển đến nơi cư trú với vợ hoặc chồng sau khi kết hôn; chuyển nơi cư trú khác sau khi ly hôn;
  • Chuyển đến nơi cư trú cùng cha, mẹ, ông, bà, con để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp cha, mẹ, ông, bà, con bị bệnh hiểm nghèo mà không có người khác chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc trường hợp già yếu không nơi nương tựa;
  • Chuyển đến nơi cư trú khác để đảm bảo việc công tác, học tập;
  • Không còn nơi cư trú vì bị giải tỏa, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
  • Buộc phải bán nhà để khắc phục hậu quả hoặc đảm bảo cuộc sống;
  • Vì lý do dịch bệnh hoặc đảm bảo yêu cầu về quốc phòng an ninh;

Các trường hợp khác do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc thay đổi nơi cư trú, cụ thể: “Nơi cư trú chuyển đến phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, ổn định lâu dài; Việc giải quyết thay đổi nơi cư trú của người đang hưởng án treo phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý, giám sát, giáo dục người đang hưởng án treo và việc ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng của người đang hưởng án treo”.

Như vậy, người đang được hưởng án treo vẫn có thể được thay đổi nơi cư trú nếu đáp ứng được các điều kiện về cư trú, đồng thời có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Giết phụ nữ mang thai đôi có bị coi là giết hai người trở lên không?

Giết phụ nữ mà biết là có thai là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình giết là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy) mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội.

Việc xác định tội danh phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, một trong số đó là ý chí và lý trí của người thực hiện hành vi phạm tội. Ở đây người thực hiện hành vi phạm tội chỉ phạm vào tội giết người nếu khi thực hiện hành vi người này mong muốn tước đoạt mạng sống của bị hại hoặc biết rõ là có thể tước đoạt tính mạng của bị hại nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho dù không mong muốn (trường hợp này thì bị hại phải tử vong từ nguyên nhân do hành vi của người thực hiện hành vi phạm tội).

Theo tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP, “Phụ nữ có thai” được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai.

Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định. Do đó, đối với hành vi giết phụ nữ mang thai đôi có bị coi là giết hai người trở lên được coi là giết 02 người được quy định tại điêm a và điểm c Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp nào cảnh sát được nổ súng bắn chết tội phạm?

Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng được quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, cụ thể:

  • Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
  • Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
  • Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
  • Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra;

Về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự thì được quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Theo đó, có 05 trường hợp mà người thi hành nhiệm vụ phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng và có 06 trường hợp người thi hành nhiệm vụ được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo.

Mẹ bị trầm cảm sau sinh giết con mới đẻ có phạm tội không?

Tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rõ: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra …”. Do đó, tùy vào mức độ trầm cảm của người mẹ, độ tuổi của người con và nhiều yếu tố khác mà hành vi giết con mới đẻ của người mẹ có thể được coi là phạm tội hoặc không, cụ thể :

  • Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu người mẹ bị trầm cảm đến mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì người mẹ có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Theo quy định tại điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 thì trường hợp mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đầy đủ các dấu hiệu: “Người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mình; Nạn nhân phải là con của chính người mẹ sinh ra trong 07 ngày tuổi”. Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì người mẹ giết con do trầm cảm sau sinh có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự tội “Giết hoặc vứt con mới đẻ” với mức phạt tù từ 06 tháng 03 năm.
  • Nếu không đáp ứng đủ một trong các dấu hiệu của tội giết con mới đẻ thì người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, với tình tiết định khung tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi. mức hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình. Tuy nhiên, người mẹ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử phạt như thế nào?

Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp nhận hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Có thể hiểu rõ hơn là một hành vi bị xem là chống người thi hành công vụ, trước hết hành vi đó phải có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực như đánh, trói, … hoặc hành vi đó phải dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống…) cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật như cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai thác,…

Theo đó, người có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý dưới hai hình thức là xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sựvề tội “chống người thi hành công vụ” theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến đến 07 năm, tùy thuộc vào tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội mà áp dụng mức xử phạt phù hợp với quy định của pháp luật.

Mua dâm người 15 tuổi bị xử lý như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định: “Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Theo đó, Tùy từng mức độ vi phạm, người mua dâm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:

  • Về trách nhiệm xử phạt hành chính thì đối với hành vi mua dâm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Trường hợp mua dâm từ 02 người trở lên cùng một lúc thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình ngày 31/12/2021.
  • Về trách nhiệm xử lý trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 329 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: “Mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Như vậy, nếu đủ 18 tuổi trở lên thục hiện hành vi mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, bạn sẽ có thể bị phạt tù từ 03 đến 07 năm.

Tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người phạm nhiều tội

Căn cứ quy định tại điều 55 bộ luật hình sự 2015, về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Khi tiến hành xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội và tổng hợp hình phạt dựa theo quy định sau đây:

  • Đối với hình phạt chính:
  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
  • Trường hợp các hình phạt đã tuyên đều là cải tạo không giam giữ hoặc đều là tù có thời hạn thì các hình phạt đó sẽ được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung sẽ không được phép vượt quá mức 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
  • Đối với hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn thì hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ được chuyển đổi sang thành hình phạt tù dựa theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung dựa theo quy định ban hành tại điểm a Khoản 1 Điều này;
  • Trường hợp hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã được tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung ở đây sẽ là tù chung thân;
  • Trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt nặng nhất là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình;
  • Đối với các hình phạt đã tuyên có hình phạt nặng nhất là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình;
  • Đối với các hình phạt khác sẽ phạt tiền không tổng hợp; các khoản tiền phạt sẽ được cộng lại thành hình phạt chung;
  • Các loại hình phạt khác sẽ bị tiến hành trục xuất không tổng hợp
  • Đối với hình phạt bổ sung:
  • Trường hợp hình phạt đã tuyên thuộc cùng một loại thì hình phạt chung sẽ được quyết định trong giới hạn so cụ thể đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt sẽ được cộng lại thành hình phạt chung;
  • Trong trường hợp các hình phạt đã tuyên khác loại thì người bị kết án sẽ phải chấp hành toàn bộ các hình phạt đã tuyên

Cách xử lý khi bị lừa ký tên vào giấy trắng

Việc ký tên vào tờ giấy trắng, nếu chứng minh được bị lừa dối sẽ không có giá trị pháp lý. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điều 127 Bộ luật dân sự 2015: “ Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.

Theo đó, người bị lừa dối có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố giao dịch giao dịch dân sự này vô hiệu do bị lừa dối nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, nếu trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch. Do đó, trong mọi trường hợp, khi ký vào bất kỳ giấy tờ gì, người ký cũng phải đọc kỹ nội dung, tuyệt đối không ký vào giấy trắng. Không chỉ vậy, người ký cũng nên gạch chéo phần trống giữa và cuối nội dung những giấy tờ mà mình ký kết để người khác không thể chèn thêm nội dung khác sau khi hai bên đã ký kết xong.

Mua con tê tê về nuôi có vi phạm pháp luật không?

Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính Phủ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính Phủ thì Bộ tê tê thuộc Lớp thú nằm trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB và Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Phụ lục I của Nghị định số 64/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, Bộ tê tê gồm nhiều loại khác, được quy định trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES).

Theo đó, bạn mua con tê tê thuộc các danh mục theo quy định trên để về nuôi thì có thể bị xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015:

“1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;

c) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;

d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;

đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;

e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”

Như vậy, hành vi mua con tê tê về nuôi là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm bạn sẽ phải chịu mức hình phạt từ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đến mức cao nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra, bạn còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mua súng lục để phòng thân có vi phạm pháp luật không?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì: “Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu”. Theo đó, súng chỉ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác được quy định tại Điều 18 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Hành vi mua súng lục để phòng thân là hành vi vi phạm pháp luật và đây là một trong các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019: “1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo”. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

  • Về xử phạt vi phạm hành chính: Nếu mang súng theo bên người thì khi bị phát hiện bạn sẽ bị xử phạt về hành vi “Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép” theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, bạn sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tức là tịch thu súng lục.
  • Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Nếu việc mua sung lục để phòng thân mà gây thiệt hại cho người khác như: “làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 307 Bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tôi mà bạn sẽ phải chịu mức hình phạt từ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm và mức cao nhất là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, bạn còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chồng giả mạo chữ ký của vợ để thế chấp bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để vay vốn thì phạm tội gì?

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc định đoạt tài sản chung phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp này, hai vợ chồng bạn cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc chồng bạn đã tự ý giả mạo chữ ký của bạn để thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, việc chồng bạn đã giả mạo chữ ký của bạn để thực hiện giao dịch thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng thì chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  • Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.”

Như vậy, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt mà chồng bạn sẽ phải chịu mức hình phạt khác nhau từ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đến mức cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn phải chịu hình phạt bổ sung là có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cấp dưỡng được coi là một nghĩa vụ và được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định pháp luật. Nếu người phải cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ hoặc trốn tránh nghĩa vụ của mình thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

  • Về xử phạt vi phạm hành chính: Nếu một người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử phạt về hành vi: “Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; hoặc Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật” theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, họ sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo đúng quy định pháp luật.
  • Về trách nhiệm hình sự: Nếu việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” theo quy định tại Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!