Tổng hợp tình huống sở hữu trí tuệ tháng 8/2022

Nội dung bài viết

Câu hỏi 1: Có một công ty thành lập sau công ty em, họ “cố tình” đặt tên nhái theo tên công ty em, chỉ khác đi thêm chữ “việt nam” vào sau để khách hàng dễ bị nhầm lẫn. Cụ thể:

– Tên công ty em: Công ty TNHH ABC (Bên em đã đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu ABC)

– Tên công ty kia: Công ty TNHH ABC Việt Nam.

Và điều ngạc nhiên nữa là họ đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh như bên em đã đăng ký. Vậy trong trường hợp này bên em có khởi kiện bảo vệ thương hiệu được không ạ?         

Trả lời:

Căn cứ khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/ NĐ-CP quy định rằng không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp.

Theo thông tin bạn cung cấp, Thương hiệu ABC đã được công ty bạn đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên bạn chưa nói đến việc thương hiệu này được Cục sở hữu trí tuệ cấp cấp văn bằng bảo hộ hay chưa. Do đó, Luật TGS xin được tư vấn theo hai hướng như sau:

Trường hợp 1: Thương hiệu ABC chưa được cấp văn bằng bảo hộ

Trong trường hợp này, việc công ty kia lấy tên doanh nghiệp trùng với tên thương hiệu của bạn không bị coi là vi phạm pháp luật. Bởi vì, tên doanh nghiệp không phải là một đối tượng  điều chỉnh của quyền Sở hữu công nghiệp (Luật Sở hữu trí tuệ) mà là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tên doanh nghiệp của bên B cũng không thuộc trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký theo khoản 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020. Vì vậy, công ty bạn không có quyền khởi kiện bên B để bảo vệ thương hiệu của bạn.

Trường hợp 2: Thương hiệu ABC đã được cấp văn bằng bảo hộ

Trong trường hợp này, căn cứ khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/ NĐ-CP quy định rằng không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp. Do đó, công ty bạn có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp.

Văn bản đề nghị của công ty bạn phải có bản sao các giấy tờ sau đây:

– Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo.

Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp kia không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Như vậy, tùy vào trường hợp cụ thể mà bên bạn có thể xử lý, giải quyết theo các phương thức khác nhau.

Câu hỏi 2: Tháng 10 năm 2021, Công ty A muốn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm thức ăn cho động vật. Qua tra cứu, công ty này được biết Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu SANAN dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật cho Công ty B tại tỉnh Phú Thọ ngày 15/04/2012. Công ty B đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 06/2015. Công ty A có khả năng đăng ký nhãn hiệu SANAN không?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 136 LSHTT thì chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2019 có quy định về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ khi chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người thừa kế hợp pháp.

Theo dữ liệu bạn cung cấp, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu SANAN dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật cho công ty B tại tỉnh Phú Thọ ngày 15/04/2012. Tuy nhiên, công ty B đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 06/2015. Điều này có nghĩa là từ tháng 06/2015, chủ văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm hạt giống, phân bón, thức ăn động vật (công ty B) không còn tồn tại và tính từ đó đến thời điểm tháng 10/2021 thì công ty B đã không sử dụng nhãn hiệu SANAN 06 năm 4 tháng nên văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật của công ty B chấm dứt hiệu lực.

Do vậy, công ty A hoàn toàn khả năng đăng ký nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm thức ăn cho động vật do mình sản xuất.

Câu hỏi 3: Em xin hỏi về nhãn hiệu liên kết, trong nhãn hiệu liên kết phải chỉ rõ yếu tố liên kết, cái nào là cơ bản, thì sẽ đề cập như thế nào và ở đâu ạ ? (Có phải là ở phần mô tả không hay là ngay phía sau dòng nhãn hiệu liên kết ?)

Trả lời:

Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau (Khoản 19 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).

Theo đó nhãn hiệu liên kết phải thỏa mãn các điều kiện sau:

– Các nhãn hiệu này phải do cùng một chủ thể đăng ký;

– Các nhãn hiệu liên kết phải có dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhau. Ví dụ như: Toyota Corolla, Camry, Vios, Toyota Celica, Toyota Avalon là nhãn hiệu tương tự nhau của tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota;

– Các nhãn hiệu liên kết này phải có liên quan tới nhau về mẫu nhãn hiệu và nhóm ngành sản phẩm dịch vụ cung cấp. Ví dụ như: Wave, Wave S, Wave RS, là các nhãn hiệu cho dòng sản phẩm của Honda về xe máy Wave.

So với các nhãn hiệu độc lập thông thường, khi đăng ký nhãn hiệu liên kết, chủ thể đăng ký nhãn hiệu cần lưu ý về tờ khai đăng ký nhãn hiệu như sau:

– Phần mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải chỉ rõ loại nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu liên kết;

– Người nộp đơn phải chỉ rõ các yếu tố liên kết về nhãn hiệu hoặc về hàng hoá, dịch vụ;

– Trong trường hợp yếu tố liên kết là nhãn hiệu thì phải chỉ rõ trong số các nhãn hiệu liên kết đó có nhãn hiệu nào được coi là cơ bản hay không, nếu có thì đó là nhãn hiệu nào; nếu một hoặc một số trong các nhãn hiệu đó đã được đăng ký hoặc đã được nêu trong đơn nộp trước đó thì phải chỉ rõ số văn bằng bảo hộ, số đơn nộp trước đó;

– Trong trường hợp yếu tố liên kết là hàng hoá, dịch vụ thì phải chỉ rõ trong số các hàng hoá, dịch vụ đó có hàng hoá, dịch vụ nào được coi là cơ bản hay không và nếu có thì đó là hàng hoá, dịch vụ nào; nếu một trong các hàng hoá, dịch vụ đó đã được đăng ký trước hoặc đã được nêu trong đơn nộp trước đó thì phải chỉ rõ số văn bằng bảo hộ, số đơn nộp trước đó;

– Nếu người nộp đơn không chỉ rõ nhãn hiệu cơ bản hoặc hàng hoá, dịch vụ cơ bản thì tất cả các nhãn hiệu và tất cả các hàng hoá, dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu nêu trong đơn của người nộp đơn được coi là độc lập với nhau. Việc đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu nêu trong đơn sẽ không được áp dụng ngoại lệ đối với nhãn hiệu liên kết.

Như vậy, khi đăng ký nhãn hiệu liên kết bạn cần chỉ rõ loại nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu liên kết và các yếu tố liên kết về nhãn hiệu hoặc về hàng hoá, dịch vụ trong phần mô tả nhãn hiệu.

Câu hỏi 4: Em có nộp 1 hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở VP đại diện của Cục SHTT ở Đà Nẵng từ tháng 10/2021. Theo quy định PL thì thẩm định hình thức là 1 tháng, công bố đơn 2 tháng và thẩm định nội dung 9 tháng. Nhưng từ lúc em nộp tới giờ, không có thông báo gì của bên cục luôn ạ. Em tới VPDD ở Đà Nẵng thì người ta bảo chưa có thông báo gì, trong khi đã quá thời hạn thẩm định hình thức và công bố đơn. Anh chị có cách nào để mình xử lý việc này như thế nào với ạ.

Trả lời:

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là việc chủ sở hữu kiểu dáng tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp tại Cục sở hữu trí tuệ để ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp kiểu dáng công nghiệp cho chủ sở hữu trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo Điều 119 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định thì:

– Thời gian thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 01 tháng kể từ ngay nộp đơn;

– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

– Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn;

Sau thời gian 01 tháng thẩm định hình thức thì Cục Sở hữu trí tuệ phải có thông báo gửi cho người nộp đơn:

– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục SHTT sẽ thông báo quyết định chấp nhận đơn hợp lệ cho người nộp đơn;

– Trường hợp đơn không hợp lệ, Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó nêu rõ các lý do dẫn đến đơn bị từ chối bằng văn bản.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, nếu sau khoảng thời gian quy định nói trên mà bạn không nhận được bất kì thông báo nào từ Cục sở hữu trí tuệ, bạn có thể làm Công văn giải trình hoặc công văn giục thẩm định hình thức đối với Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp mà mình đã nộp gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ.

Câu hỏi 5: Mình có sở hữu một phần mềm đăng kí sở hữu trí tuệ, mình muốn sử dụng tài sản sở hữu trí tuê này để vay ngân hàng thì được định giá như thế nào ạ? Xin Luật sư tư vấn giúp mình.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP, tài sản đảm bảo vay vốn tại ngân hàng có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; đồng thời quy định quyền tài sản là một loại tài sản và là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Vì vậy các sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký sở hữu trí tuệ có thể được coi là tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Để định giá được tài sản sở hữu trí tuệ cần dựa vào các yếu tố sau đây của tài sản:

– Phạm vi và điểm mạnh của yêu cầu bảo hộ của đối tượn sở hữu trí tuệ;

– Độ khó để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của đối tượng sở hữu trí tuệ;

Tài sản Sở hữu trí tuệ được định giá theo một số phương pháp sau:

– Phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ chi phí: Tài sản sở hữu trí tuệ được định giá dựa vào chi phí tái sản xuất và chi phí thay thế

– Phương pháp xác định giá theo cách tiếp cận từ thị trường: Dựa vào việc bên thứ ba sẵn dàng bỏ tiền ra để mua hoặc thuê tài sản SHTT. Giá thị trường của tài sản so sánh có thể là các mức giá sau: tiền chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ được lưu giữ tại cơ quan quản lý nhà nước hoặc được công bố trên thị trường; giá chào bán, chào mua trên thị trường; giá niêm yết trên sàn giao dịch; giá chào thầu, đấu giá; giá góp vốn liên doanh, liên kết, thế chấp; giá mua thực tế trên thị trường; giá tài sản do sánh trong các hình thức giao dịch khác.

– Phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thu nhập: Dựa vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền SHTT có thể nhận được trong thời gian có hiệu lực của quyền SHTT.Xác định theo phương pháp tiếp cận từ thu nhập cụ thể có các phương pháp sau:

+ Phương pháp tiền sử dụng: tiến sử dụng tài sản trí tuệ được xác định bằng số tiền sử dụng thực tế được ghi nhận trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với tài sản trí tuệ cần định giá;

+ Phương pháp lợi nhuận vượt trội: được xác định trên cơ sở chênh lệch lợi nhuận giữa việc sử dụng và không sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá;

+ Phương pháp thu nhập tăng thêm: xác định trên cơ sở giá trị chênh lệch giữa tổng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp và tổng lợi nhuận thu được do sử dụng các tài sản hữu hình, tài sản vô hình, tài sản chính khác không phải là tài sản cần định giá.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tại Việt Nam và quốc tế cho thấy, việc thế chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế, một phần do khó định giá quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, việc thế chấp tài sản này khi vay vốn gặp khó khăn do giá trị của quyền sở hữu trí tuệ thường chỉ được bảo đảm trong chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp đó, khó chuyển giao khi phải xử lý tài sản bảo đảm trong vay vốn ngân hàng.

Câu hỏi 6: Anh/Chị cho em hỏi: Hộ kinh doanh A đăng ký nhãn hiệu A (mới được cấp văn bằng) sau đó thành lập công ty cũng tên A, người đại diện pháp luật của hộ kinh doanh và công ty cùng 1 người. Bây giờ, Trên bao bì sản phẩm kinh doanh đều để tên là công ty A. Nên bây giờ bên em muốn chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu từ hộ kinh doanh qua công ty thì phải làm sao ạ. Bên em muốn giữ lại hộ kinh doanh ko giải thể hay đổi tên. Cảm ơn Anh/Chị

Theo thông tin bạn cung cấp: Hộ kinh doanh A đăng ký nhãn hiệu A (mới được cấp văn bằng) sau đó thành lập công ty cũng tên A, người đại diện pháp luật của hộ kinh doanh và công ty cùng 1 người. Trên bao bì sản phẩm kinh doanh đều để tên là công ty A. Do đó, Công ty Luật TGS xin được tư vấn về thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu từ hộ kinh doanh A sang công ty A như sau:

1. Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm

– Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

– Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu (02 bản).

– Bản gốc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

– Giấy ủy quyền trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua đại diện;

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Thời gian thực hiện: 2 tháng kể từ ngày nhận đơn (trên thực tế do số lượng đơn trên cục sở hữu trí tuệ quá lớn nên thời gian thực có thể kéo dài tới 5 tháng kể từ ngày nộp đơn).

2. Thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu

Bước 1: Các bên thỏa thuận và xác lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

Bước 2: Thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Bên chuyển nhượng nộp một bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển chuyền sử dụng tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Bước 3: Nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

– Nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các hoạt động sau:

Ra quyết định Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Sau đó tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người nộp hồ sơ; đóng dấu đăng ký vào 02 bản hợp đồng và trao người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản

Công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Sau khi chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hộ kinh doanh A vẫn có thể hoạt động mà không cần giải thể hoặc đổi tên.

Câu hỏi 7: Nhãn hiệu đã được cấp văn bằng ở Nhật nhưng khi đăng ký ở Việt Nam lại bị từ chối, do nhãn hiệu chứa từ trùng với địa danh ở Châu Âu (mặt chữ giống nhau nhưng phát âm khác nhau). Vậy phải làm như thế nào ạ?

Nhãn hiệu của bạn khi đăng ký ở Việt Nam bị từ chối do chứa từ trùng với địa danh ở Châu Âu (mặt chữ giống nhau nhưng phát âm khác nhau) tuy nhiên bạn vẫn có quyền phúc đáp 01 lần duy nhất, thời hạn là 03 tháng kể từ ngày ký thông báo. Dưới đây là cách mà Công ty Luật TGS xử lý trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký bị cho là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với địa danh, cụ thể:

Bước 1: Kiểm tra thật kỹ các vấn đề

– Đơn bị từ chối toàn phần hay 1 phần của mẫu nhãn hiệu/ sản phẩm/ dịch vụ.

– Tình trạng sử dụng nhãn hiệu đối chứng: Nhãn hiệu có được chủ sở hữu sử dụng trên thực tế hay không, thời gian cuối cùng được tìm thấy trên internet là khi nào thì chúng ta có thể tra cứu trên trực tuyến.

– So sánh nhãn hiệu đăng ký và nhãn hiệu đối chứng trên các phương diện nhãn hiệu và sản phẩm/dịch vụ. Cụ thể:

+ Nhãn hiệu: Nhãn hiệu có cấu tạo gồm những thành phần nào; phát âm gồm mấy âm tiết, âm tiết chính là âm tiết nào, thành phần bị trùng là phần chữ có ý nghĩa hay không; hình thức thể hiện màu hay đen trắng, có đặc điểm gì nổi bật.

Bước 2: Lựa chọn các phương án khả thi nhất.

Sau khi xem xét tất cả các nội dung trên, mình sẽ phân tích dữ liệu để đưa ra các phương án được cho là khả thi nhất cho khách hàng lựa chọn, cụ thể:

– Trường hợp nhãn hiệu chỉ bị từ chối 1 phần (1 phần hình/chữ, sản phẩm/dịch vụ) và thành phần không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ không phải là thành phần chính yếu/quan trọng thì phương án loại bỏ bớt thành phần không đạt tiêu chuẩn bảo hộ có thể đưa vào danh sách phương án để khách hàng cân nhắc.

– Trường hợp kết quả so sánh về mặt nhãn hiệu và sản phẩm giữa nhãn hiệu đăng ký và đối chứng cho thấy có sự khác biệt đáng kể, thì phương án phúc đáp theo hướng chứng minh khả năng phân biệt giữa nhãn hiệu đăng ký và đối chứng cũng sẽ được đưa ra để khách hàng cân nhắc.

Bước 3: Soạn thảo văn bản phúc đáp

Sau khi xác định được những căn cứ từ chối, nếu khắc phục được hoặc có cơ sở để phản đối chủ đơn cần soạn thảo văn bản trả lời như sau:

– Loại bỏ các nhóm sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ

– Đưa ra lập luận, căn cứ làm nổi bật sự khác nhau giữa các nhãn hiệu

– Nêu ra các căn cứ, lý lẽ nếu người nộp đơn cho rằng thông báo của Cục SHTT còn chưa xác đáng

Trong công văn trả lời, người nộp đơn nêu rõ số đơn, ngày nộp đơn và nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Bước 4: Nộp văn bản phúc đáp tại cục SHTT

Sau khi hoàn tất công văn trả lời, người nộp đơn có thể nộp tại Cục SHTT, bổ sung các loại phí (nếu có) theo quy định để đơn tiếp tục được xem xét nếu người nộp đơn không trả lời hoặc trả lời thiếu sót chưa xác đáng, Cục SHTT sẽ ra quyết định từ chối chấp cấp bằng.

Câu hỏi 8: Công ty tôi muốn đăng ký nhãn hiệu của công ty. Công ty tôi muốn biết công ty tôi có thể ủy quyền cho người không phải nhân viên công ty thực hiện việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu được không? Nếu được thì Công ty tôi được ủy quyền trong thời hạn bao lâu? Mong nhận được phản hồi, xin cảm ơn.

Căn cứ Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về việc uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp như sau:

“Điều 107. Uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

1. Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.

2. Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

b) Phạm vi uỷ quyền;

c) Thời hạn uỷ quyền;

d) Ngày lập giấy uỷ quyền;

đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.

3. Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.”

Theo quy định trên, ta thấy việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có bao gồm đăng ký nhãn hiệu được phép ủy quyền cho người khác thực hiện. Người được ủy quyền có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nếu trong văn bản ủy quyền có quy định về nội dung này. Thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận.

Như vậy, đối với trường hợp của công ty bạn thì công ty hoàn toàn có thể ủy quyền cho người không phải là nhân viên công ty bằng văn bản ủy quyền để thực hiện việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, thời hạn và phạm vi ủy quyền do các bên tự thỏa thuận với nhau.

Câu hỏi 9: Tôi đang tính kinh doanh trà sữa theo mô hình xe lưu động. Để thu hút khách hàng và tạo tính chuyên nghiệp tôi có tự thiết kế ra một logo trà sữa. Nay tôi muốn đăng ký nhãn hiệu cho logo thì hồ sơ bao gồm những gì ?

Để đăng ký logo dưới dạng nhãn hiệu độc quyền cần đảm bảo điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của pháp luật như sau:

– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Hồ sơ đăng ký bảo quyền logo bao gồm:

– 02 tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo Mẫu số 04-NH Phụ lục A Thông tư 16/2016/TT-BKHCN;

– 05 mẫu nhãn hiệu giống nhau;

– Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diên;

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu Công ty thụ hưởng quyền đó từ người khác;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Hồ sơ nộp tại Cục Sở hữu hữu trí tuệ để xin cấp Văn bằng bảo hộ.

call-to-like

Đội ngũ luật sư – Công ty Luật TGS

lstuan

 

Luật sư – Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS

Luật sư Tuấn đạt được nhiều kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như khai thác khía cạnh thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ, viễn thông, đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…

thu

 

Nguyễn Thị Hường – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ/Doanh nghiệp

Là chuyên gia pháp lý về lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đã tham gia tư vấn cho các Khách hàng trong và ngoài nước về các vấn đề về đăng ký bảo hộ và giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu, Thương hiệu, Kiểu dáng, Sáng chế, hiện bà là Trưởng Phòng Nhãn hiệu của văn phòng luật TGS.

oanh

 

Nguyễn Thị Oanh – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ, doanh nghiệp. Đặc biệt bà Oanh chuyên tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về giấy phép con như: giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, kiểm nghiệm mỹ phẩm,.....

huongtran

 

Đặng Phương Chi – Chuyên Gia Tư Vấn Về Sở Hữu Trí Tuệ

Là một chuyên gia trong lĩnh vực Sở Hữu Trí Tuệ. Đặc biệt bà Hương là chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc về nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả,...

tu van
ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Luật Sư - Văn Phòng Luật TGS Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0984.769.278
  • Email: contact.tgslaw@gmail.com
  • Hotline: 0985.928.544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!